Lựa chọn cá cảnh là đối tượng phát triển kinh tế đã giúp HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, Tp.HCM) trở thành đơn vị kinh tế phát triển mạnh mẽ, lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. Mô hình của HTX còn hạn chế gây ô nhiễm môi trường vì quy trình chăn nuôi khoa học, ít chất thải.
Hiệu quả kinh tế, bảo đảm môi trường
Sản xuất cá cảnh có ưu điểm là không cần nhiều diện tích đất, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của cuộc sống hiện đại. Với diện tích 12.000 m2, sản lượng trung bình 1,7 - 2 triệu con/tháng giúp HTX thu về khoảng 600 triệu đồng/tháng. So với trồng rau màu trên cùng một đơn vị diện tích, sản xuất cá cảnh mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần.
Nhằm mục tiêu phát triển nghề nuôi cá cảnh bền vững theo hướng nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu đi đôi với bảo vệ môi trường, HTX đã thực hiện sản xuất cá cảnh theo chuẩn VietGAP để xuất sang các thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao như châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á.
Nuôi cá cảnh, khâu quan trọng nhất là nguồn nước, vì ảnh hưởng lớn đến chất lượng và sinh sản của cá. HTX phải theo dõi thường xuyên để tránh sự thay đổi nhiệt độ nguồn nước do thời tiết.
Thức ăn cho cá chủ yếu là tim bò, giun quế, nhưng phải cung ứng vừa đủ để nước ít bị nhiễm khuẩn, hạn chế các bệnh nấm ngoài da, bệnh đường ruột ở cá, giúp giảm tỷ lệ cá hao hụt, giảm chi phí, nâng cao chất lượng, màu sắc của cá.
Bằng việc liên kết chặt chẽ với 80 hộ nông dân sản xuất cá cảnh trong và ngoài địa bàn, HTX đã có nguồn hàng ổn định phục vụ xuất khẩu. Hiện, mỗi tháng, HTX xuất khẩu 1.920.000 con cá cảnh. HTX đang mở rộng liên kết với các đơn vị, tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để có thêm nhiều thị trường mới.
Hiện mỗi tháng, HTX xuất khẩu 1.920.000 con cá cảnh |
Tiềm năng phía trước
Đầu tư phát triển cá cảnh theo quy mô lớn, bảo đảm chất lượng đã mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho các thành viên và người dân, phù hợp với mục tiêu chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX, nhận định thị trường tiêu thụ cá cảnh trong nước và thế giới còn rất nhiều tiềm năng. Hiện nay, thú chơi cá cảnh không còn giới hạn trong những người khá giả, mà rất nhiều khách hàng bình dân cũng thích và có thể nuôi cá cảnh.
Đây được xem là một ngành nông nghiệp đô thị đang phát triển mạnh mẽ. Các nước châu Âu, châu Mỹ hiện nay cũng rất ưa chuộng các giống cá cảnh từ châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, nên thị trường tiêu thụ rất rộng lớn.
Theo Ban Giám đốc HTX, nhiều khi giá vật tư đầu vào tăng thất thường, nếu chỉ chú trọng xuất bán trong nước thì HTX không có lãi. Vì vậy, muốn phát triển lâu dài, HTX phải chú trọng đến đường xuất khẩu.
HTX đã nghiên cứu, thu mua, lai tạo 50 chủng loại cá cảnh, cung cấp từ cá giống đến cá thương phẩm, đồng thời cũng mở rộng, xây dựng vùng sản xuất an toàn để đạt các chứng nhận về an toàn dịch bệnh giúp rộng đường xuất khẩu.
Không chỉ là một trong những đơn vị đóng góp lớn vào việc xuất khẩu cá cảnh của Tp.HCM, HTX còn thành công trong việc lại tạo giống cá cảnh mới, hình thức đẹp, độc đáo để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Đơn cử, HTX đã nhân giống thành công cá sóc và cá thần tiên mắt đỏ, da phát sáng màu lục lam và màu đỏ; hay lai tạo thêm nhiều giống cá mới như: Cá phượng hoàng lùn, ông tiên xanh... từ giống cá bố mẹ nhập khẩu của Nhật Bản.
Từ khi thành lập đến nay, HTX không ngừng mở rộng về vùng sản xuất cũng như sản lượng sản xuất, thị trường tiêu thụ và đa dạng hóa chủng loại cá cảnh.
Đến nay, HTX có 12 hộ thành viên. Mỗi thành viên trong HTX là đại diện một tổ sản xuất, chịu trách nhiệm cung cấp sản lượng theo hợp đồng của đối tác.
Như Yến