HTX Quỳnh Phú hiện có 25 thành viên tham gia, trong đó có 90% là gia đình phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách. Với sự hỗ trợ của Hội phụ nữ các cấp, HTX đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả.
Bảo vệ môi trường
HTX Quỳnh Phú nuôi chủ yếu là các loại cá trắm, chép, trôi… với sản lượng khoảng 6 tạ/ha, tỷ lệ cá loại 1 đạt tới trên 80%. Là địa phương có truyền thống nuôi trồng thủy sản nước ngọt nhưng kết quả mà HTX đã và đang đạt được đã thể hiện nếu chỉ nuôi trồng nhỏ lẻ, sản xuất ồ ạt thì sẽ không đạt chất lượng và không thu về lợi nhuận.
Trong quá trình sản xuất, HTX đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường và phòng tránh dịch bệnh cho đàn cá. Do thời tiết thường xuyên diễn biến thất thường, các thành viên phòng ngừa bệnh dịch cho cá bằng cách xay tỏi lọc lấy nước rồi trộn cùng thức ăn. Đây là cách phòng ngừa bệnh dịch phổ biến nhất mà HTX sử dụng.
Ngoài ra, việc vệ sinh lưới định kỳ như loại bỏ rong rêu, kiểm tra môi trường nước sạch, cải tạo ao nuôi, khử trùng bằng vôi bột… cũng được chú trọng. Nhờ vậy, cá của HTX thường có bụng trắng, hoàn toàn không có lớp màng nhầy do ăn phải cặn bẩn đeo bám.
Theo ông Vũ Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, HTX đặc biệt quan tâm đến yếu tố môi trường bền vững để các mô hình nuôi thủy sản phát triển, ổn định trong tương lai. Việc tập huấn, hướng dẫn, đảm bảo các tiêu chí nuôi an toàn không dịch bệnh cũng được HTX kết hợp với hội phụ nữ tổ chức thường xuyên nhằm giúp người dân chủ động phát hiện sớm dịch bệnh, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống hiệu quả, tránh thiệt hại về kinh tế.
Cá được HTX nuôi theo hình thức thả bù, một năm thả 3-4 đợt và thu hoạch quanh năm chứ không thu hoạch theo thời vụ. Vì nếu thu hoạch theo thời vụ sẽ dẫn đến tình trạng ồ ạt, khó khăn cho việc tiêu thụ.
So với cách nuôi cá truyền thống, cá của HTX có sức đề kháng tốt, ít xảy ra dịch bệnh, giá cả không bấp bênh, đầu ra không bị “tắc”, cho năng suất cao, thu nhập ổn định
Hiệu quả kinh tế
Với tổng diện tích 3,9 ha. HTX Quỳnh Phú đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, tình trạng thương lái ép giá cũng không xảy ra.
Là một trong những hộ nghèo của xã, bà Phạm Thị Là-thành viên HTX, cho biết: Tôi đã được HTX nuôi cá nước ngọt xã Quỳnh Phú hỗ trợ cá giống, vôi bột khử trùng và mời tham gia các lớp tập huấn về nuôi cá nước ngọt. Sau khi có kiến thức cơ bản, tôi quyết định đầu tư nuôi cá trắm và chép. Trung bình mỗi lần, gia đình tôi thu hoạch gần 1 tấn, trừ chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 30 triệu đồng.
So với cách nuôi cá truyền thống, cá của HTX có sức đề kháng tốt, ít xảy ra dịch bệnh, giá cả không bấp bênh, đầu ra không bị “tắc”, cho năng suất cao, thu nhập ổn định. Chính vì thế, nhiều hộ gia đình nhờ tham gia HTX và phát triển nuôi cá nước ngọt bền vững đã thoát nghèo, có kinh tế ổn định.
Xã Quỳnh Phú là địa phương phát triển khá mạnh nghề nuôi trồng thủy sản, hiện toàn xã có 83 ha với khoảng 300 hộ tham gia, nhưng hiệu quả kinh tế không cao do dịch bệnh nhiều, đầu ra không ổn định.
Mô hình HTX nuôi cá nước ngọt tại xã Quỳnh Phú thành lập và phát triển theo hình thức khép kín từ nuôi cá giống, cá thương phẩm và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần mở rộng diện tích thủy sản tại địa phương.
Như Yến