Nhờ thực hiện song song giữa trồng rừng và chế biến lâm sản, HTX Phương Thái đã có được nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ chế biến gỗ tiêu dùng, sản xuất đũa xuất khẩu và tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Đi đầu trong trồng rừng
Trong quá trình sản xuất, HTX Phương Thái nhận thấy diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp, tình trạng đất trống đồi núi trọc ngày càng tăng. Đây là một trong những khó khăn nếu HTX muốn tận dụng điều kiện tự nhiên của địa phương để phát triển mô hình kinh tế hợp tác.
Để đi lên bằng kinh tế rừng, HTX đã tận dụng tối đa nguồn lực của địa phương cũng như những nỗ lực của Ban Giám đốc HTX trong việc tìm hướng đi cho riêng mình.
Hiện, HTX đang tập trung trồng 110 ha rừng. Nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, HTX đã liên kết với nhân dân trong xã trồng thêm 20 ha rừng.
Để tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình trồng rừng, HTX đã xin ý kiến của các ban ngành, tiến hành quy hoạch diện tích đất để trồng rừng. Các thành viên và người dân sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng.
Ban Giám đốc HTX tổ chức hướng dẫn các thành viên, người dân mua cây giống, cách kiểm tra chất lượng cây giống, bảo đảm cây giống đạt chất lượng cao trước khi trồng.
Song song với trồng keo, quế, mỡ, bồ đề… HTX cũng vận động thành viên và người dân trồng 20 ha cây ăn quả có múi như bưởi da xanh, cam Cao Phong theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để tiếp tục đầu tư mở rộng việc trồng rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Việc trồng rừng và chuyển đổi cơ cấu diện tích đất rừng đã giúp thu nhập của các hộ thành viên và người dân được nâng cao. Nhiều hộ khó khăn đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trồng rừng đã trở thành một trong những nghề chủ đạo và mũi nhọn của HTX cũng như nhiều hộ gia đình tại xã Nậm Tha.
Anh Đặng Văn Phủ - người dân xã Nậm Tha, cho biết nhờ HTX Phương Thái tích cực truyên truyền, vận động chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng rừng, gia đình anh đã thoát được nghèo và bảo đảm được đời sống cho 6 người trong gia đình.
Xưởng sản xuất đũa quế của HTX |
Mở rộng sang chế biến
Khi đất rừng liên tục được phủ xanh và nguồn gỗ nguyên liệu được bảo đảm, HTX đã mở rộng sang chế biến lâm sản nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế.
Hiện nay, HTX đang tập trung đầu tư dây chuyền chế biến đũa từ gỗ quế, bồ đề để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, nhờ chủ động và có tiềm năng lớn, HTX đã thu hút được doanh nghiệp Nhật Bản bao tiêu đầu ra. Sản phẩm của HTX sản xuất đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó.
Khi liên kết với doanh nghiệp, các hộ thành viên và người dân có cơ hội học tập, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, HTX còn thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy trong suốt quá trình sản xuất. Đây cũng là điều kiện để đối tác nước ngoài đồng ý đặt bút ký hợp đồng với HTX hay không.
Quy trình sản xuất chế biến gỗ của HTX được thực hiện theo dây chuyền công nghệ tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Chất lượng sản phẩm từ thân cây quế và cây bồ đề sau khi khai thác phần vỏ thương phẩm sẽ đưa vào sản xuất đũa gỗ thô cho các doanh nghiệp đầu mối tại một số tỉnh trong vùng như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội...
Những sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu phải trải qua công đoạn đánh bóng, đóng gói, dán nhãn đạt tiêu chuẩn của các đơn vị chức năng.
Nhờ chú trọng công tác chế biến, mỗi năm, HTX sản xuất bình quân 20 triệu đôi đũa, tạo việc làm thường xuyên cho trên 60 lao động trong và ngoài xã với mức thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/ người/năm.
Kết hợp song song giữa trồng rừng nguyên liệu và chế biến lâm sản đã khẳng định HTX Phương Thái là một trong những mô hình kinh tế hợp tác đầu tư bền vững vào kinh tế rừng, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy, phát triển và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện.
Như Yến