HTX đang có 14 thành viên và hàng chục lao động địa phương. Sản phẩm của HTX chủ yếu là gỗ bóc, ván ép, cốt pha… để phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên, HTX Chuyên Đức đã xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất gỗ ván ép với công suất 3.000 m3 sản phẩm/năm.
Chú trọng môi trường sản xuất
Ông Nguyễn Hồng Chuyên - Giám đốc HTX, cho biết HTX đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất với máy móc thiết bị hiện đại, dễ sử dụng, ứng dụng rộng rãi đối với tất cả các loại gỗ. Máy móc tiên tiến tiêu thụ năng lượng thấp, góp phần bảo vệ môi trường, không sản sinh ra những chất thải độc hại.
Công đoạn sấy gỗ cũng được HTX trang bị lò sấy hiện đại, thân thiện với môi trường, không sử dụng diêm sinh sấy gỗ giống như nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn làm sản sinh khói bụi, ảnh hưởng đến sức khỏe của các lao động và người dân lân cận.
Ngoài ra, HTX còn đầu tư trồng cây xanh xung quanh nhà xưởng, giúp hạn chế tiếng ồn và khói bụi, đồng thời tạo môi trường làm việc lý tưởng.
Ban Giám đốc HTX đã thành lập tổ chuyên trách môi trường gồm 3 người, có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra hệ thống thu gom xử lý nước thải, nước mưa chảy tràn; kịp thời phát hiện các sự cố để sửa chữa nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong sản xuất, không gây ô nhiễm môi trường.
Nội quy, quy chế về công tác BVMT trong khu vực sản xuất được HTX chú trọng xây dựng. HTX thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT cho các thành viên và người lao động để mọi người hiểu và có ý thức trong việc BVMT.
“Bên cạnh yếu tố lợi nhuận, HTX đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm sự thân thiện với môi trường. Trong thời đại công nghiệp hiện nay, nếu các nhà máy sản xuất ồ ạt và vận hành theo một quy trình không an toàn và bảo đảm thì sẽ nhanh chóng hủy hoại môi trường sống của chính con người. Áp dụng máy móc công nghệ hiện đại giúp HTX có thể kết hợp hài hòa giữa mục đích lợi nhuận và hiệu quả thiết thực từ công tác BVMT”, ông Chuyên nói.
Sản xuất ván ép tại HTX vận tải Chuyên Đức
Thúc đẩy ngành lâm nghiệp
Hiện tại, mỗi ngày xưởng sơ chế của HTX sử dụng 12 - 15 tấn gỗ nguyên liệu để phục vụ công đoạn chế biến gỗ; tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức thu nhập bình quân 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, HTX nộp ngân sách nhà nước 200 triệu đồng.
Nếu như các cơ sở chế biến khác đang gặp khó khăn về tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, thì HTX lại có lợi thế về vùng nguyên liệu. Sản phẩm được sản xuất sử dụng 100% nguyên liệu trên địa bàn huyện, giúp HTX tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Hiện HTX tập trung phát triển bằng cách mở rộng sản xuất, tận dụng phế, phụ phẩm trong chế biến để sản xuất viên nén làm chất đốt; cùng địa phương tiến hành trồng, mở rộng diện tích rừng để bảo đảm nguồn gỗ nguyên liệu sản xuất lâu dài. Đây là bước đi hiệu quả giúp nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, tận dụng nguồn thu, BVMT.
Ông Nguyễn Văn An - Bí thư Đảng ủy xã Trung Hội, đánh giá: “Chuyên Đức là mô hình HTX điểm của xã, cũng như của huyện Định Hóa về sử dụng nguyên liệu tại chỗ phục vụ chế biến lâm sản, góp phần phát triển an sinh xã hội trên địa bàn”.
Việc đầu tư máy móc chế biến gỗ theo hướng hiện đại, bền vững không chỉ giúp HTX khẳng định chất lượng sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, mà còn tạo việc làm cho lao động nông thôn, kích thích kinh tế lâm nghiệp tại địa phương phát triển.
Như Yến