Tại Na Hối, vận động người dân chuyển đổi từ trồng ngô, lúa, mận sang trồng dược liệu đã khó, nay để thu hút được người dân tham gia vào HTX là cả một quá trình.
Anh Phạm Văn Điều - Giám đốc HTX, là người đi tiên phong trong trồng và chế biến cây atiso. Anh định hướng để người dân và các thành viên trồng thử nghiệm, sau đó nhân rộng diện tích.
Bắt tay với doanh nghiệp
Ban Giám đốc HTX đã vạch ra những bước đi ban đầu cho từng thành viên trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tranh thủ những cơ chế, chính sách hỗ trợ về giống cây dược liệu của các cấp chính quyền trong tỉnh, huyện nhằm mở rộng diện tích và đi sâu vào chế biến.
Để hoạt động được thuận tiện, HTX chia làm hai tổ. Một tổ chuyên trồng atiso và một tổ chuyên chế biến. HTX đã xây dựng nhà xưởng chế biến cao atiso hiện đại với dây chuyền vừa và nhỏ. Sản phẩm HTX làm ra là cao loãng 50%, được công ty CP Traphaco đăng ký làm đầu mối tiêu thụ.
Theo Ban giám đốc HTX, làm cao Atiso khó hơn các loại cao khác, bởi đây là loại cao được làm từ thực vật, trong quá trình chế biến dễ bị mất đi chất dinh dưỡng vốn có, không như làm cao từ động vật.
Vì vậy, ngay bước trồng cây, sản phẩm phải là những sản phẩm tốt, xanh, sạch và còn tươi để tiến hành quá trình nấu cao được bảo đảm. HTX cũng áp dụng quy trình trồng atiso theo chuẩn VietGAP nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của DN.
Tất cả các công đoạn của HTX đều có kỹ sư của DN giám sát và hỗ trợ nhằm đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng, bảo đảm ATVSTP, tiện lợi. Ngoài tập huấn kỹ thuật, các thành viên và nhân dân thực hiện mô hình sản xuất theo đúng thời vụ, kỹ thuật, bảo đảm quy mô diện tích.
Đến nay, diện tích nguyên liệu của HTX là 5 ha. Ngoài ra, HTX còn nhận thu mua cho 18 hộ dân trong vùng để bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất.
Trên cùng một đơn vị diện tích, trồng atiso cho thu nhập cao hơn các cây trồng khác 5 - 7 lần.
Giám đốc Phạm Văn Điều (trái) trao đổi với người dân kỹ thuật trồng atiso |
Bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo
Hiện, thu nhập của các hộ thành viên đã lên đến 100 triệu đồng/năm. Không phải đầu tư nhiều như cây ngô, cây mận nhưng bù lại, đầu vào, đầu ra thuận lợi, các thành viên cũng yên tâm phát triển sản xuất.
Cây atiso mới phát triển mạnh tại địa phương khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, nhưng có thể thấy rõ hiệu quả mà cây trồng này mang lại. Thế mạnh của cây atiso do HTX sản xuất là cây được trồng trong vùng an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cộng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi nên hoạt tính của cây được đánh giá cao hơn vùng khác.
Trồng và chế biến atiso đã đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế, góp phần bảo tồn nguồn gen cây dược liệu quý, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, hạn chế xói mòn đất rừng dốc.
Trước đây, nhiều người dân đã khai thác rừng, cây dược liệu trái phép mà không trồng bổ sung. Nếu không đưa ra phương án trồng mới, trồng bổ sung, trong tương lai, loài cây này sẽ mất dần đi, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Trong khi atiso là cây dược liệu quý với nhiều công dụng. Sản phẩm chế biến từ cây thảo dược này cũng đang được thị trường ưa chuộng vì tính an toàn.
Sự mạnh dạn đi đầu của HTX Na Hối đã giúp nhân dân chuyển giao tiến bộ KH-KT, nâng cao năng suất cây trồng, đồng thời còn thu hút người dân tham gia mô hình KTHT, thay đổi sản xuất truyền thống lạc hậu bằng mô hình trồng cây dược liệu trên cơ sở khai thác lợi thế về tự nhiên của vùng.
Thông qua các lớp tập huấn về kỹ thuật nhân giống, trồng, thu hoạch cây dược liệu, các thành viên và người dân đã hiểu được lợi ích khi trồng cây dược liệu, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, bảo vệ môi trường cũng như xóa đói giảm nghèo.
Như Yến