Là một trong những vùng trồng nhãn lớn nhất của tỉnh Hưng Yên, Hàm Tử là nơi xuất xứ của giống nhãn Miền Thiết, một trong những giống nhãn thơm ngon nổi tiếng so với các giống nhãn thông thường khác. Với đặc điểm quả to tròn, vỏ màu vàng sáng, cùi dày và giòn với vị ngọt đậm, thơm mát, Miền Thiết là một trong những giống nhãn ngon cho năng suất cao.
HTX là “xu thế tất yếu”
Năm 2014, với “điểm tựa ban đầu” là nhóm sở thích, sau đó là Tổ hợp tác (THT) rồi tiến lên là HTX, Miền Thiết có khoảng 60 thành viên với tổng diện tích hơn 200 ha trong đó có 15 ha được áp dụng theo quy trình VietGap. HTX đã xây dựng mô hình thâm canh cao theo chuỗi, sản xuất nhãn theo hướng an toàn, thường xuyên tiếp cận với các DN có nhu cầu thu mua rau quả ở Tp.HCM và Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Thiết - thành viên của HTX, chia sẻ: Khi HTX chưa được thành lập, nhãn chín muộn Miền Thiết chưa được nhiều người biết đến, sản phẩm chỉ được tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và các tỉnh phụ cận phía Bắc. Sau khi thu hoạch, sản phẩm luôn bị thương lái ép giá, dẫn đến cuộc sống của nhiều hộ trồng nhãn chín muộn ở Hàm Tử còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng đó, nhiều hộ dân ở Hàm Tử đã bắt tay hợp tác với nhau thành lập THT, tiền thân cho HTX Miền Thiết hiện nay, trên cơ sở tìm ra hướng đi mới trong việc hỗ trợ nhau trong sản xuất theo trình độ chuyên canh tập trung, bảo đảm cho việc đáp ứng các tiêu chí về VSATTP, cho đến xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm của nhãn chín muộn Miền Thiết đến với đông đảo người tiêu dùng.
Một vườn nhãn chín muộn của HTX Miền Thiết
Ông Nguyễn Văn Thế - Giám đốc HTX Miền Thiết, chia sẻ: Dù mới được thành lập từ đầu năm 2015, nhưng HTX đã có những bước đi cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các thành viên. Đó là HTX đã quyết định áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGap vào sản xuất trên diện tích của các thành viên.
Bên cạnh đó Ban quản trị HTX cũng đã xác định bên cạnh việc cải thiện nâng cao chất lượng cho sản phẩm cây nhãn tại địa phương, nhiệm vụ quan trọng nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm.
“Từ khi chuyển sang chăm sóc nhãn theo quy trình VietGap, chất lượng và mẫu mã sản phẩm nhãn chín muộn Miền Thiết đã không ngừng được cải thiện. “Tin lành đồn xa”, nhiều thương lái đã chủ động tìm về để thu mua với giá cao hơn 2 - 3 lần so với khi chưa áp dụng VietGap, nhờ vậy mà các thành viên HTX có thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha”, anh Nguyễn Văn Hà - thành viên của HTX, cho biết.
Tìm hướng đi bền vững
Ông Hoàng Văn Trực - Phó Chủ tịch UBND Huyện Khoái Châu, cho biết để vùng nhãn phát triển theo hướng bền vững, UBND huyện đang duy trì vùng thâm canh nhãn đạt tiêu chuẩn VietGap tại xã Hàm Tử và tiếp tục mở rộng sang các xã khác, nhằm nhân rộng vùng nhãn đạt tiêu chuẩn XK. Đồng thời, khuyến cáo nông dân tiếp tục tuyển chọn nhân rộng bộ giống có năng suất chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất sạch đáp ứng các tiêu chuẩn về VSATTP.
Mặt khác, tăng cường sự liên kết giữa HTX người nông dân với DN đầu mối tiêu thụ nông sản; hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với DN; coi trọng hợp tác kết nối giao thương giữa các trung tâm, các hệ thống siêu thị ở trong nước nhằm đưa “vị ngọt” nhãn Khoái Châu đến với người tiêu dùng rộng rãi ở thị trường trong nước và XK.
Theo ông Nguyễn Duy Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Tử, để tháo gỡ khó khăn và mở hướng đi cho cây nhãn muộn Miền Thiết, từ năm 2015, chính quyền xã đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, nhất là trong việc xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm “Nhãn Miền Thiết” XK sang thị trường Mỹ với diện tích 10 ha ban đầu và đến vụ nhãn năm nay đã mở rộng lên 15 ha.
Tại những vùng được quy hoạch, người dân được hướng dẫn chăm sóc, bao quả, phòng trừ dịch hại cho nhãn trong mô hình theo quy trình VietGap gắn với các yêu cầu chặt chẽ và khắt khe của thị trường Mỹ để tạo ra các sản phẩm an toàn.
UBND huyện cũng đã tổ chức xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn cho nông dân, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các mô hình sản xuất trên cả nước, gặp gỡ các DN chuyên thu mua các sản phẩm rau quả ở hai thành phố lớn đó là Tp.HCM và Hà Nội để từ đó tìm ra được phương thức sản xuất mới, trau dồi học hỏi kinh nghiệm, để nhằm mở rộng thị trường XK theo hướng ổn định, mở hướng tiêu thụ nông sản bền vững, tránh tình trạng “được mùa rớt giá”.
Nguyễn Hiếu