HTX NN&TM Ngọc Phát được thành lập năm 2017. Điều đặc biệt là các thành viên HTX đều thuộc thế hệ 8x, 9x nên mô hình HTX như được thổi một luồng gió mới giúp người dân thay đổi nhận thức về kinh tế tập thể.
Đầu tư chế biến sâu
Theo ban giám đốc HTX, thực chất mô hình HTX nông nghiệp hiện nay còn quá nhiều điểm yếu, hạn chế trong thời kỳ hội nhập. Những mô hình HTX nông nghiệp đã hình thành chưa phát huy hết tính ưu việt của loại hình kinh tế tập thể, từ đó chưa thể đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất. Muốn nâng cao hiệu quả của HTX, việc đầu tiên chính là đầu tư khoa học kỹ thuật, thực hiện sản xuất bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhận ra được điểm yếu, điểm mạnh của loại hình kinh tế mà các thành viên đang theo đuổi, HTX nhanh chóng đưa ra các phương án cải thiện mô hình HTX. Một trong những điểm nhấn chính là việc HTX lựa chọn ngành nghề vốn là thế mạnh đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên thay vì sản xuất thô, HTX đầu tư máy móc thực hiện chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm mủ cao su.
Theo Ban giám đốc HTX, Kon Tum nói chung và huyện Đắk Hà nói riêng có truyền thống phát triển cây cao su với diện tích hàng nghìn ha. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao do người dân khai thác cao su và bán cho thương lái dưới dạng mủ nước, mủ đông, mủ tạp nên thường bị ép giá.
Thành phẩm mủ tờ cao su xông khói sau quá trình đầu tư chế biến. |
Sau khi lên kế hoạch, lập phương án sản xuất kinh doanh, HTX đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của UBND xã. Trên diện tích 2.400m2 đất xa khu dân cư và gần khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krông thuộc địa bàn thôn Hải Nguyên, HTX xây dựng cơ sở chế biến mủ cao su, đầu tư hạ tầng và lắp đặt máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất.
Anh Đỗ Doãn Linh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chia sẻ, riêng việc đầu tư các hạng mục chính gồm bể chứa mủ nước, mương đánh đông, lò sấy, hệ thống máy móc (như máy cán mủ tờ, máy cán mủ tạp, máy cưa, máy ép kiện...) đã tiêu tốn của HTX gần 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, các thành viên đều tham gia vào quá trình hoàn thiện nhà xưởng, lắp đặt máy móc nên chi phí giảm xuống đôi chút.
Để bảo đảm cho quá trình sản xuất, HTX hợp đồng ký kết thu mua mủ cao su với người dân, HTX có xe đến tận nơi vận chuyển mủ về chế biến. Hiện, dây chuyền sản xuất của HTX có công suất 3 tấn mủ thành phẩm/ngày. Sản phẩm chủ yếu là mủ tờ cao su xông khói.
Thị trường tiêu thụ mà HTX hướng tới hiện nay là khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Sau này, HTX sẽ mở rộng, hướng tới mọi nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Góp phần bảo vệ môi trường
Mô hình HTX Ngọc Phát được lập ra chính là nhằm giải quyết việc làm cho người dân địa phương, trong đó có không ít người là thanh niên chưa có việc làm tại huyện Đắk Hà, Kon Tum. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất của HTX còn tạo nguồn đầu ra thuận lợi cho diện tích cây cao su công nghiệp trên địa bàn, giúp người dân nâng cao thu nhập từ cây công nghiệp truyền thống.
Đặc biệt, cao su là cây trồng được đánh giá về tính bền vững, tính hiệu quả kinh tế và môi trường sinh thái. Bởi theo các chuyên gia, cây cao su với lượng sinh khối hàng trăm mét khối trên mỗi ha sẽ có tác động tích cực đến bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái nói chung. Chính vì vậy, trong lâm nghiệp loài cây này được xem là cây rừng đa mục đích vì vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa tăng tỷ lệ che phủ rừng.
Trồng cao su góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. |
Không chỉ góp phần phát triển diện tích cây cao su, HTX còn chú ý tới yếu tố môi trường, sản xuất với hiệu suất cao nhưng vẫn đảm bảo không gây hại cho môi trường.
HTX đã lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý rác thải trong xưởng sản xuất. Toàn bộ nguyên liệu được tận dụng tối đa nên hạn chế chất thải ra môi trường. Theo Ban giám đốc HTX, bảo vệ môi trường chính là xu hướng cả thế giới đang hướng tới. Là mô hình HTX kiểu mới nên các thành viên không muốn nằm ngoài xu thế này.
Có thể thấy, HTX nông nghiệp và thương mại Ngọc Phát rất đáng để người dân, nhất là các bạn trẻ tham khảo và học hỏi. Hy vọng rằng với những hiệu quả mà mô hình mang lại, HTX sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ đắc lực của địa phương trong mở rộng sản xuất.
Tùng Lâm