Được thành lập từ năm 2012, HTX Đông Xuân ban đầu chỉ có 20 hộ liên kết nhóm sản xuất. Nay, toàn xã Đông Xuân có khoảng 40ha trồng dưa lê, trong đó có 10ha với 78 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Vùng sản xuất dưa lê của HTX được tổ chức sản xuất trồng theo quy trình khép kín từ khâu gieo trồng, chăm sóc, đến khâu thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ.
Nhạy bén đưa công nghệ vào sản xuất
Trao đổi với phóng viên VnBusiness, ông Trần Ngọc Liên, Giám đốc HTX Đông Xuân cho biết: “Những năm trước đây, phần lớn người dân Đông Xuân vẫn gắn bó mật thiết với nghề nông. Vì vậy, muốn nâng cao đời sống cho bà con phải có những thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Tận dụng những ưu thế của địa phương, Ban giám đốc đã nỗ lực xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp theo hướng hữu cơ”.
“Việc đưa vào trồng dưa lê siêu ngọt đã mở ra một hướng đi mới cho bà con nơi đây, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống, chuyển sang trồng các cây cho giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập khá cho người dân”, ông Liên khẳng định.
Ban giám đốc HTX đi thăm và kiểm tra quy trình sản xuất của các thành viên. |
Năm 2013, tham gia Chương trình hỗ trợ hợp tác nghiên cứu ngành làm vườn giữa Đại học Nông nghiệp Hà Nội và Đại học California, HTX Đông Xuân đã đưa công nghệ vi sinh EM - một chế phẩm sinh học hiện đại từ Nhật Bản vào sản xuất.
Được biết, ưu điểm lớn nhất của công nghệ EM là tính an toàn với cây trồng từ khâu sản xuất, điều chế, đến sử dụng, bảo quản, giúp cây dưa lê ít sâu bệnh và làm cho trái dưa lê không chỉ thơm tự nhiên mà còn ngọt từ ruột tới cùi.
Theo đó, các thành viên HTX tuân thủ chặt chẽ theo quy trình xử lý đất, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, mà thay vào đó là chế phẩm sinh học và phân bón vi sinh.
Hơn nữa, UBND huyện Sóc Sơn đã hỗ trợ HTX đầu tư mô hình nhà lưới trồng dưa lê VietGAP với chi phí đầu tư hơn 300 triệu đồng.
Năm 2016, dưa lê siêu ngọt Đông Xuân đã được cấp chứng nhận an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và được thị trường đón nhận.
Bà Ngô Thị Yến (thôn Thượng, xã Đông Xuân), thành viên HTX chia sẻ: “Năm 2012, gia đình tôi bắt đầu chuyển từ trồng lúa sang trồng dưa lê an toàn, mọi công đoạn đều tuân theo quy trình của HTX đề ra. Theo đó, chúng tôi chỉ sử dụng phân ủ mục tự nhiên, thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc từ Nhật Bản hoặc Việt Nam và bảo đảm cách ly đúng thời gian. Trồng theo mô hình này tuy vất vả hơn trồng lúa vì hằng ngày tốn nhiều công chăm sóc, nhưng lợi nhuận đem lại từ dưa lê gấp 5-7 lần so với trồng lúa”.
Tạo sức lan tỏa lớn
Chia sẻ về hoạt động thiết thực mà HTX mang lại, ông Liên cho biết, việc hợp tác, liên kết sản xuất giữa các thành viên với HTX đã giúp nhiều hộ gia đình giảm chi phí. Các khâu sản xuất, đóng gói, xây dựng nhãn hiệu giúp tăng khả năng tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, HTX Đông Xuân là cầu nối hỗ trợ các thành viên nhằm chia sẻ rủi ro, thiết lập sự cân bằng của quá trình sản xuất, giảm bớt tình trạng được mùa - mất giá.
Trong quá trình trồng, chăm sóc, HTX yêu cầu các thành viên ghi lại rõ ràng và cập nhật thường xuyên giai đoạn phát triển của dưa lê.
Là một trong những thành viên được hưởng lợi từ việc trồng dưa VietGAP, bà Nguyễn Thị Nghiêm (thôn Thượng, xã Đông Xuân) cho hay: “Kể từ ngày HTX đưa công nghệ vào sản xuất, đến nay tôi có thể tự tin sản xuất dưa lê VietGAP chuyên nghiệp, từ việc ghi nhật ký sản xuất đến việc phòng, chống sâu bệnh bằng biện pháp sinh học và canh tác đất bảo vệ môi trường”.
Dưa lê siêu ngọt Đông Xuân được gắn tem truy xuất nguồn gốc trước khi cung cấp ra thị trường. |
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất cũng không thể tránh khỏi những khó khăn. Theo đó, bên cạnh vấn đề vốn đầu tư thì phòng trừ sâu bệnh cũng là một bài toán khiến Ban giám đốc "đau đầu". Giám đốc Trần Ngọc Liên cho biết, dưa lê thường xuyên gặp phải bệnh héo xanh, chảy mủ - 2 bệnh khó chữa và lây lan rất nhanh.
Để khắc phục tình trạng này, những năm gần đây, HTX đã tổ chức cho các thành viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở những mô hình mẫu và mời các chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp về kiểm tra, hướng dẫn bà con.
Cũng theo ông Liên, dưa lê siêu ngọt Đông Xuân được trồng từ tháng 3-11 hằng năm và thu hoạch rộ vào tháng 5, tháng 6 dương lịch.
Nhờ áp dụng công nghệ và phương pháp canh tác tốt, qua theo dõi vụ trồng, HTX thấy giống dưa lê siêu ngọt này chịu nhiệt tốt, có thể trồng được nhiều vụ trong năm. Thời gian sinh trưởng chỉ từ 45-50 ngày (ngắn hơn 10-15 ngày so với dưa lê truyền thống) đã cho thu hoạch với trọng lượng trung bình 300-750 gam/quả.
Theo tính toán của HTX, dưa lê cho thu nhập khá cao. Với năng suất khoảng 3-5 tạ/sào, giá bán từ 30.000-35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí có lãi từ 6-7 triệu đồng.
Tất cả dưa sau thu hoạch sẽ được kiểm tra, đóng gói và vận chuyển tới các chuỗi cửa hàng nông sản sạch trong buổi sáng để đảm bảo độ tươi ngon và giữ chất lượng dưa cao nhất có thể.
“Hiện, trung bình mỗi ngày HTX cung ứng từ 1-2 tấn dưa cho 28 chuỗi siêu thị, đại lý bán lẻ nông sản sạch trên địa bàn TP. Hà Nội”, ông Liên cho biết.
Giám đốc HTX Đông Xuân mong muốn, thời gian tới có thêm các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản xuất khẩu, đẩy mạnh chuỗi liên kết nông sản an toàn, thu hút doanh nghiệp cùng tham gia chuỗi. Từ đó, tạo động lực cho người nông dân say mê với đồng ruộng và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Tô Thương