Đại diện Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ chia sẻ, khi các HTX chưa áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh thì năng suất, chất lượng sản phẩm thấp. Việc tìm kiếm thị trường cũng có khăn, bởi các HTX và người dân chủ yếu bán hàng thông qua các thương lái và ở các chợ truyền thống nên hiệu quả thấp, giá cả bếp bênh.
Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh
Ông Nguyễn Minh Mạch, Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh bưởi Chí Đám cho biết, HTX có 18 thành viên và 8 ha đang cho khai thác. Từ khi thành lập HTX năm 2013 đến nay, tất cả các hộ trồng bưởi đều thống nhất cùng nhau thực hiện các công đoạn tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, bón phân, thụ phấn, kể cả việc thu hoạch, dán tem nhãn, bán hàng đều tuân thủ đúng các biện pháp kỹ thuật. Nhờ vậy mà chất lượng bưởi quả mới đảm bảo đúng thương hiệu Bưởi đặc sản Đoan Hùng.
Ông Nguyễn Minh Mạch, Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh bưởi Chí Đám kiểm tra vườn bưởi trước khi thu hoạch. |
Tuy nhiên, bưởi dù chất lượng và có thương hiệu, nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp không ít khó khăn, bởi công tác kết nối còn hạn chế, việc bán hàng lại chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, giá cả bấp bênh, lượng tiêu thụ phập phù, hiệu quả thấp dẫn đến tâm lý không "mặn mà" của nhiều thành viên.
Kể từ khi công nghệ 4.0 phát triển, HTX được Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ tập huấn, ứng dụng khoa học trong sản xuất, kinh doanh nên các thành viên HTX đã từng bước triển khai, học tập, làm theo.
Ông Mạch chia sẻ, công nghệ thông tin phát triển, không chỉ có máy tính mà điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi đã giúp những người nông dân trước đây “chân lấm tay bùn” nay “lướt điện thoại” đều đặn mỗi ngày.
Nhiều trang thông tin điện tử nông nghiệp như Khuyến nông, Bạn nhà nông, Nông nghiệp Việt Nam… luôn là “người bạn đồng hành” để các thành viên HTX nắm bắt các tin tức thời sự, các kiến thức khoa học, khuyến ngư, khuyến nông, tình hình dịch bệnh, cơ cấu mùa vụ...
Toàn bộ 18 thành viên của HTX còn nối mạng cáp quang về tận nhà để tiện lợi cho con cái học hành và bản thân mình cũng được học hỏi kiến thức làm nông một cách khoa học. Nhờ mạng xã hội, nhiều người đã làm quen với các bạn nhà nông trên khắp cả nước để “mách” cho nhau cách phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giúp nhau làm giàu cho gia đình và địa phương.
Tham gia các hội chợ, gian hàng thương mại giúp nông sản tỉnh Phú Thọ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. |
“Ngoài việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, bảo vệ giống bưởi, để đáp ứng với nhu cầu về kinh doanh, các thành viên HTX cũng không ngừng học tập, tìm hiểu, triển khai bán hàng trên các trang mạng xã hội, bán hàng online, sử dụng mạng Internet để tìm đầu ra cho sản phẩm. Với lượng người truy cập mạng xã hội ngày càng tăng, sản phẩm của chúng tôi được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, sản phẩm thu hái đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giá cả lại tăng lên hơn 20%”, ông Mạch chia sẻ.
Hiệu quả nhiều mặt
Không chỉ có HTX bưởi Chí Đám, mà tại huyện Đoan Hùng còn có nhiều HTX khác sử dụng mạng Internet để sản xuất kinh doanh, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, trong đó có HTX Công nghệ cao Đoan Hùng.
Theo anh Nguyễn Tuấn Oanh, Giám đốc HTX Công nghệ cao Đoan Hùng, qua mạng Internet, mạng xã hội đã giúp các thành viên HTX tìm hiểu thị hiếu của thị trường, sở thích của người tiêu dùng để mạnh dạn quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường nhiều nơi trong và ngoài nước, đồng thời điều chỉnh hướng sản xuất, nâng cao chất lượng.
Cũng nhờ có mạng Internet mà sản lượng bưởi được tiêu thụ tăng đều hàng năm, ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra căng thẳng. Riêng cá nhân anh Oanh thường xuyên quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội như: Mua bán nông sản sạch, Sản phẩm VietGap,… có hàng nghìn thành viên để tìm kiếm khách hàng.
Vườn bưởi của HTX Công nghệ cao Đoan Hùng cho năng suất và hiệu quả năm sau cao hơn năm trước. |
Rất nhiều khách hàng ở tận Cà Mau, Đắk Lắk, Gia Lai… đặt mua, nên mạng lưới các cửa hàng phân phối bán lẻ bưởi Đoan Hùng được mở rộng. Giám đốc Nguyễn Tuấn Oanh xác định trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mạng xã hội trở thành kênh bán hàng chính của gia đình anh cũng như của HTX.
Ngoài ra, HTX Công nghệ cao Đoan Hùng còn có trang web riêng, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, kiểm chứng hồ sơ pháp lý của sản phẩm hàng hóa.
“Thay vì ngồi chờ đợi thương lái, HTX có thể đăng tải thông tin, livestream trên các mạng xã hội để quảng bá và bán sản phẩm của mình. Điều này sẽ giúp HTX không bị lúng túng trong khâu tiêu thụ và bị tư thương ép giá, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát căng thẳng như hiện nay. Đặc biệt, trang web cũng giúp khách hàng đặt hàng, thanh toán, giao hàng trực tuyến rất tiện lợi và nhanh chóng. Nhờ mạng Internet, bưởi Đoan Hùng được nhiều người tiêu dùng biết đến, giúp người nông dân yên tâm về đầu ra cũng như đầu tư mở rộng sản xuất”, anh Oanh nói.
Phạm Duy