Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, dự kiến tổng sản lượng vải năm 2021 đạt khoảng 340 nghìn tấn, tăng khoảng 30 nghìn tấn so với năm 2020. Trong đó, trà vải sớm ước đạt 90 nghìn tấn (chiếm khoảng 26,5% tổng sản lượng), vải chính vụ đạt 250 nghìn tấn (73,5%).
Doanh nghiệp 'đặt gạch' mua hàng
Cụ thể, tỉnh Bắc Giang có diện tích vải năm 2021 là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15 nghìn tấn so 2020). Hưng Yên có diện tích vải khoảng 1.400 ha, sản lượng ước đạt 15.000-16.500 tấn, cao hơn năm 2020 từ 10-20%. Hải Dương, hiện có 9.168 ha vải, trong đó vải sớm khoảng 30% diện tích, vải chính vụ 70% diện tích, dự kiến sản lượng vải quả 55.000 tấn, tăng khoảng 15 nghìn tấn so với niên vụ năm 2020.
Nhà nhập khẩu từ khắp thế giới đang tìm đến mua quả vải thiều Việt Nam. |
Theo thống kê trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cước hàng không chưa được thuận lợi và việc vận chuyển đường biển cũng gặp nhiều bất cập như vấn đề đặt lịch xuất hàng, thời gian tàu biển đi dài ngày hơn... tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu quả vải Việt Nam sang Úc trong năm 2020 vẫn tăng 188% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng nhờ tham gia vào HTX, được hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, đảm bảo thị trường đầu ra mà sản phẩm vải của nhiều nông dân ở Thanh Hà đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính.
Vụ vải năm 2021, HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Cường, xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà (Hải Dương) có 21ha vải trong mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Giám đốc HTX Đặng Văn Hùng cho biết làm vải xuất khẩu đòi hỏi kỹ thuật cao hơn.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Giám đốc HTX Ameii Việt Nam, cho rằng quả vải thiều Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với vải thiều của những nước khác. Năm 2020, nhờ việc xuất khẩu thành công trái vải tươi sang Nhật Bản, đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong tổ chức sản xuất sản phẩm vải thiều đạt chất lượng cao. Từ đó, tiếp cận thêm các thị trường khó tính khác. "Với sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp, sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương, sự hỗ trợ của bà con nông dân, HTX thì quả vải sẽ đi xa hơn", ông Tiến đánh giá.
HTX Ameii Việt Nam đang quản lý vùng vải rộng khoảng 17ha, với 35 thành viên tham gia, chuyên sản xuất vải xuất khẩu đi Nhật Bản. Năm nay, sản lượng vải của HTX đạt khoảng 300 tấn nhưng đơn hàng xuất khẩu cần khoảng 1.000 tấn vải thiều Thanh Hà sang thị trường Nhật Bản. HTX không đủ vải để xuất khẩu, nên Ameii Việt Nam sẽ thu mua thêm ở các vùng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của huyện Thanh Hà. Vải sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, khử khuẩn, bảo quản trong kho lạnh. Các quy trình sơ chế đều có chuyên gia người Nhật Bản giám sát qua camera. Vì vậy, các công đoạn đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng.
Theo báo cáo từ Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT, dù vải Thanh Hà (Hải Dương) chưa vào chính vụ, nhưng một số công ty xuất khẩu đã đặt hàng thu mua trên 2.000 tấn vải để xuất khẩu đi thị trường khó tính (Mỹ, Nhật Bản, Úc, Singapore, EU, Thái Lan...).
Đại diện phía nhà mua hàng ở Singapore cho biết năm 2020 bắt đầu nhập khẩu trái vải Việt Nam. Vải thiều Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia xuất khẩu vải thiều nhiều nhất sang Singapore, nếu tận dụng tốt cơ hội thì sản lượng, kim ngạch xuất khẩu lớn hơn nhiều vì tiềm năng còn nhiều hơn thế. Đây là cơ hội để vải thiều Việt xâm nhập vào thị trường lớn hơn, không chỉ Singapore mà còn các quốc gia khác trong khu vực Asean, Nhật Bản, Úc.
Chính vì vậy, việc tìm đầu ra cho trái vải trong bối cảnh dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung - cầu là rất cần thiết. Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, nhờ công tác xúc tiến thương mại được tiến hành từ mấy tháng trước nên dù chưa bắt đầu vào vụ thu hoạch chính vải thiều nhưng đã có hàng chục nghìn tấn được doanh nghiệp đặt hàng.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết đã làm việc với các nhà nhập khẩu quả vải để thống nhất thực hiện kế hoạch nhập khoảng 100 tấn vải thiều từ Việt Nam sang các bang Nam Úc và Tây Úc. Đối với các bang còn lại, Thương vụ đang tiếp tục kết nối giao thương, căn cứ vào tình hình vận chuyển.
Đồng hành cùng kế hoạch này, Thương vụ sẽ tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ quả vải Việt Nam tại Úc năm 2021, với các nội quảng bá, định hướng người tiêu dùng làm quen với màu quả vải ngả vàng do chiếu xạ. Thực hiện quảng cáo kích cầu tại các khu vực tiêu thụ như: quảng cáo trên mạng xã hội, cửa hàng, siêu thị và các kênh thông tin khác. Ngoài ra, thương vụ cũng sẽ thực hiện các chương trình mua quả vải Việt Nam trúng thưởng - quảng cáo kép: “mua một sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, được trúng thưởng một sản phẩm nông nghiệp khác”. Thực hiện thúc đẩy quả vải sau chế biến (đóng lon, khô, vải đông lạnh) sau khi hết mùa vụ...
Nâng cao giá trị
Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, quả vải thiều cũng tập trung đẩy mạnh tiêu thụ ở nội địa. Ông James Dong, Giám đốc Điều hành của Lazada Việt Nam, chia sẻ đơn vị này đã bán ra gần 1 nửa tấn vải u trứng trắng của Hải Dương chỉ sau 4 giờ ngay ngày mở bán đầu tiên trái vải lên sàn thương mại điện tử Lazada. "Đây là sự khởi đầu tuyệt vời giữa các bên, thúc đẩy hoạt động kinh doanh nông sản thông qua sàn thương mại điện tử, đem về giá trị cao cho nhà bán hàng địa phương là nông dân, HTX", ông James Dong đánh giá.
Trong khi ông Paul Le, đại diện Tập đoàn Central Retail, cho biết trái vải thiều của người Việt Nam có văn hoá truyền thống lịch sử trăm năm. Central Retail sẽ đem sản phẩm tốt nhất của người Việt Nam đến thế giới. Mục tiêu là sẽ phân phối được hơn 1.000 tấn vải thiều, trong đó có vải Thanh Hà Hải Dương.
Dẫn câu thơ: "Vải em là vải vườn nhà, em là con gái Thanh Hà xứ Đông", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ cảm xúc về việc cần phải đẩy mạnh đưa vải Thanh Hà của Hải Dương nói riêng cũng như nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới. Bộ NN&PTNT cần có hành động trong thời gian tới trong việc thúc đẩy tìm kiếm thị trường cho nông sản.
Bộ trưởng NN&PTNT nhìn nhận: "Chúng ta đang sống trong thời đại bất định, biến động, phức tạp và mơ hồ. Biến đổi khí hậu, biến động thị trường do dịch bệnh, xung đột quan hệ thương mại quốc tế... điều này làm đứt quãng chuỗi cung - cầu, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của người nông dân cần cù "một nắng hai sương".
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng nhìn nhận trong khó cũng có cơ hội, trong rủi có may. Chúng ta sống trong thời đại công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, có công cụ để hiện thực hóa việc tiếp cận với người dùng, dù chuỗi cung - cầu có ngắt quãng.
Về kế hoạch trong thời tới, ngành nông nghiệp sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, từ tư duy sản lượng nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp giá trị cho vải thiều, cà rốt, nhãn....
"Bộ NN&PTNT sẽ chuyển từ chức năng kết hợp hình thành chuỗi cung ứng, sang chức năng tạo ra chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm được sơ chế, tinh chế từ nông sản vùng miền, tránh rủi ro mùa vụ, tạo đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Sản phẩm càng đa dạng hoá thì càng đến được nhiều người dùng", Bộ trưởng NN&PTNT chia sẻ.
Ông Hoan cũng cho rằng trong thời gian tới bên cạnh bán sản phẩm thì cần tổ chức tour du lịch vào mùa nhãn, vải tạo ra hình ảnh quê hương đáng sống, thanh bình. Đó chính là tích hợp đa giá trị vào một sản phẩm, khai thác tài nguyên bản địa, tích hợp công nghệ mới có thể tăng giá trị lên gấp đôi, gấp ba lần hiện nay.
Trong khi đó, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Úc lưu ý quả vải Việt Nam có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng tại Úc rất ưa chuộng. Năm nay, các nhà nhập khẩu và Chương trình xúc tiến đều đã sẵn sàng, tuy nhiên kết quả xuất khẩu mùa vải năm nay phụ thuộc phần lớn vào khâu vận chuyển. Hơn nữa, Úc là một quốc gia, với nền nông nghiệp phát triển, có biện pháp kiểm tra an toàn sinh học khắt khe. Úc cũng trồng được các loại quả mà Việt Nam có thế mạnh, trong đó có quả vải. Do vậy, việc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu quả vải đòi hỏi những nỗ lực không ngừng.
Lê Thúy
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |