NLĐ tại các cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ không thực hiện quy định ATVSLĐ |
Tiên Phong (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) là một xã thuần nông với gần 3.400 hộ dân, trên 14.500 nhân khẩu. Từ năm 2008, khi nghề làm mộc TCMN phát triển và được công nhận là làng nghề, đời sống kinh tế của nhân dân đã có thêm thu nhập và cải thiện hơn. Từ chỗ chỉ có hơn chục xưởng làm mộc, đến nay, toàn xã đã có trên 300 xưởng thu hút hàng nghìn lao động có việc làm ổn định.
Chưa được quan tâm đúng mức
Ông Đào Đình Phượng - Chủ tịch UBND xã Tiên Phong, cho biết: Mặc dù quy mô sản xuất các cơ sở mộc chưa lớn nhưng đã tạo thêm việc làm cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, do người dân bất cẩn khi làm việc, nên thường xảy ra TNLĐ, nhẹ thì đứt, dập phần mềm tay chân, nặng thì đứt ngón tay, chân, gân, gẫy xương... Cách đây khoảng vài tháng đã có vụ người dân bị máy tiện cắt đứt gần lìa bàn tay.
Nghề mộc xuất hiện tại Tiên Phong từ những năm 1990 về trước, sau được mở rộng trên cơ sở dạy nghề chuyền tay, làm theo kinh nghiệm. Do vậy, việc bảo đảm an toàn khi sản xuất vẫn chưa được người dân quan tâm đúng mức.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 100 vụ TNLĐ. Nguyên nhân cơ bản gây ra TNLĐ là do chủ sử dụng lao động (SDLĐ) và NLĐ vi phạm biện pháp an toàn, quy trình vận hành máy và thiết bị.
Còn theo thống kê tại bệnh viện Gang Thép, bệnh viện C Thái Nguyên, bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình, mỗi năm, mỗi đơn vị tiếp nhận 15 - 20 ca cấp cứu TNLĐ do sử dụng thiết bị làm mộc sai quy trình. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số thống kê được, còn lại nhiều vụ TNLĐ xảy ra trong các hộ sản xuất nhỏ lẻ cơ quan quản lý khó có thể nắm bắt hết được…
Khó vì tự phát
Những năm gần đây, thiết bị, máy móc, công cụ làm nghề với thợ mộc hầu như được cơ giới hóa hết. Mọi công đoạn đều có máy móc hỗ trợ, nên rất thuận lợi và nhanh. Tuy nhiên, theo chị Đoàn Thị Thu Huyền - cán bộ phụ trách ATVSLĐ (Phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Bình) cho biết: Các dụng cụ thiết bị lớn như máy xẻ, nén khí… thì có quy chuẩn về an toàn, nhưng các công cụ khác như máy bào, mài, trà bóng, cưa vanh, đục đều không rõ nguồn gốc và một số dụng cụ lại do thợ mộc tự chế rất tạm bợ. Khi được tuyên truyền thì họ rất hợp tác, nhưng tất cả đều cho rằng một trong những khó khăn trong công tác quản lý của địa phương chính là quy mô các nhà xưởng chủ yếu theo mô hình tự phát của hộ gia đình, nên khó áp chuẩn về ATLĐ theo quy định.
Được biết, đa số NLĐ tại các làng nghề đều không tham gia các chế độ bảo hiểm thân thể và hợp đồng lao động giữa họ và chủ SDLĐ chỉ là những thỏa thuận bằng… miệng. Cho nên, khi xảy ra TNLĐ rất khó khăn trong việc quy trách nhiệm.
Để hạn chế các vụ TNLĐ đáng tiếc xảy ra, thiết nghĩ các ngành, các cấp cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATLĐ cho các cơ sở sản xuất, kiên quyết xử lý những cơ sở không đủ điều kiện an toàn, vi phạm ATLĐ. Cần có sự “vào cuộc” của chính quyền ngay từ cấp cơ sở để sớm ngăn chặn, xử lý những những cơ sở sản xuất, những làng nghề không bảo đảm các quy định về ATLĐ, bảo vệ môi trường.
Trinh An