Làng nghề mộc truyền thống Kha Lâm đã hình thành và phát triển hàng trăm năm, với các sản phẩm phổ biến như giường, tủ chè, sập gụ, ghế, hoành phi, câu đối…
Những năm 1980 - 2005 là giai đoạn phát triển thịnh vượng của mộc Kha Lâm, với hơn 100 xưởng mộc lớn nhỏ, tạo việc làm cho gần 1.200 lao động địa phương và hàng trăm lao động thời vụ tại các địa bàn lân cận.
Công tác quản lý chưa chặt chẽ
Để tạo điều kiện cho nghề mộc Kha Lâm phát triển, dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề mộc truyền thống Kha Lâm được UBND Tp.Hải Phòng phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1738/ QĐ-UB ngày 29/7/2003, với tổng diện tích mặt bằng 2,8 ha, quy hoạch 85 lô với tổng diện tích 12.721,20 m2.
Cơ sở hạ tầng của làng nghề đã được đầu tư đồng bộ, gồm hệ thống đường giao thông, điện, nước, cây xanh. Sau khi hoàn thành xây dựng hạ tầng, UBND quận Kiến An đã tiến hành làm thủ tục cho 46 hộ thuê hết diện tích đất theo quy hoạch và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn 50 năm. Mục đích thuê đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất kinh doanh, dịch vụ nghề mộc trong mặt bằng dự án làng nghề.
Trong số 85 lô đất được giao cho các hộ, hiện có 41 lô xây dựng nhà xưởng (bao gồm cả sản xuất ngành, nghề khác), 13 lô xây dựng nhà ở, 5 lô vừa xây dựng nhà xưởng kết hợp ở, 26 lô đất để trống chưa đưa vào sử dụng.
Ông Vũ Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Nam Sơn, thông tin với phóng viên: Quy hoạch làng nghề tại thời điểm năm 2003 chưa phù hợp với tình hình sản xuất đồ gỗ, vì có những lô diện tích có 150 m2, lô lớn nhất diện tích 300 m2. Những lô diện tích nhỏ không đủ để mở xưởng sản xuất gỗ. Mặt khác, công tác quản lý đất đai giai đoạn 2003 chưa chặt chẽ, dẫn đến việc để xảy ra những trường hợp xây nhà để ở và tồn tại đến bây giờ.
Nhiều hộ tại khu làng nghề đã tự ý chuyển đổi đất được giao làm nhà ở |
Khẩn trương giải quyết tồn tại
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Văn Quý - Chủ tịch UBND quận Kiến An, cho biết: Việc một số hộ chưa đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng chưa đúng mục đích ở làng nghề Kha Lâm là đúng. Đây là những tồn tại từ nhiều năm trước. UBND quận đã xem xét trách nhiệm của những cá nhân để xảy ra vi phạm. Hiện, UBND quận đang tích cực chỉ đạo, giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Cụ thể, UBND quận tiếp tục làm việc với các hộ dân để đất trống ký cam kết đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, nếu các hộ không đưa đất vào sử dụng, UBND quận sẽ báo cáo UBND thành phố thu hồi đất theo quy định.
Tăng cường các biện pháp quản lý đất đai, trật tự xây dựng kiên quyết không để tình trạng xây dựng không phép, trái phép xảy ra. Đối với những hộ đã xây dựng nhà ở tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ có phương án chuyển đổi sang hoạt động dịch vụ làng nghề như làm cửa hàng giới thiệu đồ gỗ, bán các sản phẩm linh kiện phục vụ làng nghề…
Đối với vấn đề quy hoạch làng nghề chưa hợp lý, diện tích nhiều lô nhỏ, không đủ để các hộ mở xưởng sản xuất, địa phương khuyến khích các hộ liên kết với nhau, hoặc nhượng lại cho người có nhu cầu mở xưởng sản xuất đồ gỗ…
Để làng nghề phát triển, không bị mai một, chính quyền cần thực hiện quyết liệt các nguyên tắc bảo đảm hoạt động của làng nghề, không để người dân tự ý chuyển đổi phá vỡ quy hoạch, tăng cường các ưu đãi, khuyến khích sản xuất của người dân. Về phía người dân làm nghề, cần hoạt động có đầu tư, khoa học và tuân thủ đúng những quy định của các đơn vị quản lý.
Làng mộc Kha Lâm đang đứng trước nhiều thách thức, nếu chấn chỉnh đổi mới kịp thời, làng nghề sẽ lấy lại vị thế, nếu chậm thay đổi, nguy cơ thất truyền là hiện hữu.
Thanh Vân