Nhằm phát triển diện tích cây dừa sáp đặc sản của địa phương, cũng như xây dựng vùng chuyên canh trồng cây dừa sáp, HTX dừa sáp Hòa Tân đã ra đời, cùng người dân phát triển trồng dừa sáp theo hướng VietGAP.
Nâng cao thương hiệu
Do thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, cây dừa sáp (dừa đặc, dừa kem) có lượng cơm dày, mềm xốp, có vị ngọt, nước sền sệt và mùi thơm đặc trưng. Nhưng do giá không ổn định cộng với cây dừa trồng lâu năm nên bị thoái hóa, năng suất kém, chất lượng không cao.
Trong tự nhiên, dừa sáp cho sản lượng quả có sáp thấp, chỉ chiếm 25% số quả/buồng. Thực hiện sản xuất theo hướng VietGAP, HTX đã áp dụng phương pháp thụ phấn trợ lực (trồng cây với mật độ dày hơn để cây thụ phấn chéo) để tăng tỷ lệ sáp trên mỗi buồng dừa.
HTX cũng tiến hành mua giống dừa mới được thực hiện theo phương pháp cấy phôi tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu (Tp.HCM) để thay thế giống dừa cũ.
Từ việc ứng dụng KH-KT, chỉ sau 3 - 4 năm, dừa của HTX đã bắt đầu cho quả. Tỷ lệ dừa cho quả sáp đạt 40 - 50%, tính theo giá bán 130.000 - 160.000 đồng/quả, mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 10 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, HTX còn được Sở KH&CN tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Sản phẩm “Dừa sáp Hòa Tân” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, từ đó tạo tiền đề cho HTX tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.
Hiện HTX ký kết hợp đồng với một DN ngoài tỉnh cung ứng trực tiếp hàng tháng 500 - 700 quả dừa sáp, với giá cố định 120.000 đồng/quả. Với giá bán này, người trồng dừa sáp có lợi nhiều so với trước đây.
Ông Thạch Phú Mỹ - Giám đốc HTX, cho biết: “Mô hình trồng dừa VietGAP đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân hướng đến sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, qua đó từng bước nâng cao giá trị dừa sáp để sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn nữa”.
Hiện nay, HTX đã xây dựng được vùng chuyên canh cây dừa sáp rộng 20ha (tương đương 5.000 cây dừa).
Việc áp dụng KH-KT vào sản xuất đã mở ra hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Nhờ đó, các thành viên và nông dân trồng dừa sáp tăng thu nhập gấp 2 - 3 lần. Nhiều hộ trở thành triệu phú nhờ cây dừa sáp.
Để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và nông dân, HTX đã thành lập tổ phun xịt thuốc và thu hái dừa. Mức lương của mỗi lao động là 250.000 đồng/ngày.
Xã viên HTX thu hoạch trái dừa sáp
Phát triển bền vững
Ônh Thạch Em (xã Hòa Tân) cho biết: Trồng dừa VietGAP tôi học được nhiều điều bổ ích từ cách trồng, bón phân, chăm sóc, ghi các việc làm vào sổ nhật ký để rút kinh nghiệm, nhằm hướng đến sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường.
Với mong muốn giúp các thành viên yên tâm về các khâu đầu vào, HTX đã liên hệ với một số công ty sản xuất phân bón, làm đại lý cấp 1. Sau đó, HTX bán bằng giá đã nhập của DN để giảm phần nào chi phí, tạo sự phấn khởi cho các thành viên.
Không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên và truyền thống trồng dừa tại địa phương, dừa sáp là loại cây trồng không tốn nhiều chi phí đầu tư, không đòi hỏi dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên đã tạo môi trường sạch để phát triển bền vững.
Đặc biệt, trước tình hình xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, dừa là cây trồng rất phù hợp trên vùng đất bị nước mặn xâm nhập.
“Cùng với cây dừa nước, dừa sáp cũng là một trong số ít loại cây góp phần tích cực trong bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương, tạo tiểu khí hậu ổn định và chống xói mòn, sạt lở nên được chính quyền địa phương khuyến khích trồng”, Giám đốc HTX cho biết.
Với những bước đi vững chắc từ thay đổi nguồn giống tốt, áp dụng kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch, an toàn và bền vững môi trường, HTX đã giúp những người nông dân làm giàu từ chính loại cây trồng truyền thống của địa phương.
Như Yến