Chị Mai Thị Hương, Giám đốc HTX Sản xuất, dịch vụ, chế biến hải sản Hương Thanh - Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chia sẻ, HTX không chỉ được biết đến trong hoạt động du lịch và kinh doanh dịch vụ, mà còn là thành viên tích cực trong phong trào phòng chống rác thải nhựa dùng một lần tại địa phương.
Những “người hùng” thầm lặng
Trong những tháng gần đây, hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo đang trở nên sôi động hơn sau khi đất nước mở cửa lại hoạt động du lịch do ảnh hưởng của đại dịch covid-19.
Nhiều HTX nói không với đồ nhựa dùng một lần, sản xuất đồ dùng sinh hoạt bằng vật liệu mây, tre đan thân thiện với môi trường. |
Nắm bắt được nhu cầu ngày càng tăng này, HTX đã xây dựng kinh doanh Nhà hàng hải sản sạch theo mô hình thân thiện với môi trường, không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần, vừa tạo một tiêu chí riêng thu hút khách vừa góp phần cùng thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” mà các cấp đại phương đang phát động.
Nhà hàng là nơi tập hợp khách du lịch đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước, trong đó có nhiều khách quốc tế, nên HTX mong muốn góp phần làm thay đổi được hành vi, thói quen của du khách và của chính nhân viên phục vụ nhà hàng trong việc bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là chai đựng nước uống, các vật dụng nhựa dùng một lần và xử lý rác thải để có được thương hiệu “Nhà hàng sạch” đúng nghĩa.
Khi dự án “Tổng hợp Quản lý rác thải nhựa Vịnh Quy Nhơn” được triển khai, HTX đã làm đơn xin tham gia mô hình “Nhà hàng thân thiện không sử dụng đồ nhựa một lần”, tự nguyện ký cam kết nghiêm túc thực hiện các quy chế của mô hình đề ra. Từ đó, nhà hàng của HTX đã tuân thủ nghiêm túc việc không sử dụng các sản phẩm nhựa một lần như ống hút, hộp xốp, cốc, chén nhựa, đĩa nhựa, chai nước suối 500ml.
"Chúng tôi thực hiện đầy đủ các bước phân loại rác thải tại nguồn trong hoạt động kinh doanh và trong sinh hoạt tại nhà hàng theo hướng dẫn của địa phương, đồng thời tăng cường sử dụng các sản phẩm bao bì, ống hút, túi đựng rác sinh học”, chị Hương cho hay.
Nhằm giảm thiểu việc đưa rác thải nhựa ra môi trường, HTX còn tận dụng và tái sử dụng lại các chai nhựa, can nhựa để trồng cây cảnh, trồng các loại cây rau màu như hành, xà lách, cải cay...trong khuôn viên của nhà hàng. HTX cũng rất tích cực vận động người thân, cộng đồng cùng hưởng ứng thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, hưởng ứng, tham gia các hoạt động ra quân dọn vệ sinh trên các tuyến đường, bãi biển, bờ kè.
Hình thành thói quen sử dụng sản phẩm xanh
Cũng giống như chị Mai Thị Hương, cô gái Tày 8X Trịnh Thị Thảo, Giám đốc HTX Nhật Minh, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang tỏ ra hào hứng khi kể về cơ duyên đến với nghề mây, tre đan.
Chị Thảo cho hay, trước chị làm việc này ai cũng ái ngại bởi người ta nghĩ thành lập HTX phải làm những dự án đồ sộ, đằng này HTX lại gom những vật dụng tre nứa, mây, guột làm ra sản phẩm “Made in Khuôn Hà”. Dù mới thành lập, nhưng HTX như một tổ tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa. Các sản phẩm của HTX sản xuất ra bán thì ít mà phát miễn phí cho người dân thì nhiều.
HTX đã vận động từng hộ thành viên, từng người dân hiểu về tác hại của rác thải nhựa với môi trường. Đồng thời, luôn tiên phong trong phong trào “Phụ nữ đi chợ bằng làn, nói không với rác thải nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy” do địa phương phát động.
Mỗi người dân cần hình thành ý thức nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần vì một Việt Nam xanh. |
“Trước chỉ khoảng 30% chị em trong xã dùng làn bằng mây, tre đan thì nay 80% mang theo khi đi chợ. Thời gian tới, cùng với việc cải tiến mẫu mã sản phẩm, tôi sẽ tìm kiếm thị trường tại Hà Nội và 1 số tỉnh ở đồng bằng sông Hồng, một số khu du lịch trong tỉnh và các khu homestay để giới thiệu đến khách du lịch sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường”, chị Thảo nói.
Để hạn chế, tiến tới ngừng sử dụng túi ni lông và đồ nhựa sử dụng một lần là việc làm cần thiết để góp phần nói không với rác thải nhựa dùng một lần, bảo vệ môi trường.
Nhưng thực tế hiện nay, khi sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần có nhiều tiện ích và trở thành thói quen của người dân, thì câu chuyện giảm thiểu rác thải nhựa, hay còn gọi là “giải quyết ô nhiễm trắng” vẫn đang là bài toán khó, còn phải chờ đợi vào lộ trình của cơ quan chức năng, đồng thời là sự chung tay của cộng đồng.
Hiện chất thải nhựa mới chỉ được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế chứ chưa có quy định riêng, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom và xử lý, vẫn chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích các HTX đầu tư công nghệ, hay ưu đãi về vay vốn, về thuế… để các HTX chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm nhựa sang các sản phẩm dễ phân hủy. Do đó, nhằm hạn chế rác thải nhựa, giải pháp đầu tiên cần hạn chế các sản phẩm làm từ đồ nhựa.
Ts. Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, cần thiết phải tuyên truyền sâu rộng, khuyến khích các phong trào, các mô hình HTX sản xuất cũng như phân phối, hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường, kiểm soát chất thải nhựa.
Nhân rộng các mô hình phạt xả rác bằng camera tạo ý thức tốt trong bảo vệ môi trường. Đặc biệt là cần tiến tới luật hóa nghĩa vụ của các HTX trong việc thu hồi, tái chế hoặc xử lý chất thải các sản phẩm mà HTX sản xuất.
“Mỗi người dân hãy thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần, hình thành ý thức nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon, ngay hôm nay và ngay bây giờ vì một Việt Nam xanh, vì Trái đất xanh”, ông Nguyễn văn Tài chia sẻ.
Hoàng Hằng