Hằng năm, HTX cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn tấn thực phẩm sạch. Đặc biệt HTX đã liên kết với một số DN, tận dụng chất thải chăn nuôi để sản xuất hàng trăm tấn phân bón vi sinh mỗi năm.
Lợi ích kép
Lợi ích của phân bón sinh học do HTX làm ra được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp là không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và cây trồng. Không những không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, những sản phẩm phân vi sinh này còn có tác dụng cân bằng hệ sinh thái, góp phần tăng độ phì nhiêu của đất, đồng hóa các chất dinh dưỡng, tiêu diệt vi sinh vật gây hại cho cây trồng có trong đất, giảm thiểu bệnh hại, tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Ngoài việc góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, việc sản xuất phân vi sinh cũng tạo việc làm thường xuyên, ổn định, tăng thu nhập cho trên 1.500 lao động. Hiện, tổng đàn lợn của HTX khoảng 175.000 con/lứa, đàn gà từ 950.000 - 1.000.000 con/lứa, cho lợi nhuận trên 80 tỷ đồng mỗi năm. Thu nhập của các thành viên HTX từ 300 - 400 triệu đồng/năm.
Tiền thân của HTX là CLB Chăn nuôi xã Cổ Đông, ra đời từ năm 2001.Trước đây, khi chăn nuôi, các thành viên phải tự lo mọi thứ từ con giống, đến thức ăn rồi đầu ra, nguy cơ rủi ro trong kinh tế rất cao, ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế đối với việc bảo đảm vệ sinh môi trường. Từ khi HTX ra đời, các thành viên được hỗ trợ, và yên tâm sản xuất, cùng nhau hợp tác làm ăn, cải thiện cuộc sống.
“Khi sử dụng thức ăn chăn nuôi do HTX cung ứng, xã viên đều có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Nhà nước và hướng dẫn của nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi về việc vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, 100% xã viên HTX luôn tuân thủ quy định không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi”, ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX, cho biết.
Một trang trại nuôi lợn của HTX
Hiệu quả kinh tế và xã hội
Hiện nay, HTX đã thu hút được 350 thành viên, hoạt động trên địa bàn 4 huyện, thị xã là Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ và Thạch Thất, trong đó, thành viên ở Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) chiếm hơn 2/3.
Theo ông Chiến, phát triển HTX luôn phải song hành với việc hạn chế tới mức tối thiểu gây ô nhiễm môi trường, cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường lao động cho xã viên và người lao động.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đã áp dụng công nghệ điện tử trong quản lý. Giờ đây, xã viên HTX khi cần giao dịch với đối tác chỉ cần gửi tài liệu qua E-mail, không phải đi lại mất nhiều thời gian như trước, tiết kiệm được thời gian để tập trung cho mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm. HTX còn tổ chức cho xã viên đi tham quan học hỏi kinh nghiệm các mô hình ở các tỉnh và cả ở nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng theo ông Chiến, cho đến nay, các chất thải vật nuôi của HTX vẫn chưa được xử lý chưa triệt để, do việc đầu tư chi phí xử lý môi trường còn cao, quá khả năng đối với các chủ trang trại là thành viên của HTX. Nhiều trang trại gặp khó về nguồn đầu tư sản xuất, nhất là tiếp cận vốn vay ngân hàng. Nhận thức của người chăn nuôi về bảo vệ môi trường, đặc biệt là phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi còn hạn chế, sự quản lý của Nhà nước về môi trường chưa đáp ứng được các bất cập.
Do vậy, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo quy mô lớn, HTX rất cần nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, bảo đảm an toàn cho môi trường.
Được biết, với sự năng động và đoàn kết của các thành viên trong HTX, để mở rộng sản xuất kinh doanh, trong thời gian tới, HTX tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi cá sấu, lợn rừng, nhím… Đây là những vật nuôi ít bị dịch bệnh và là đặc sản có hiệu quả kinh tế cao.
Ngọc Cầm