Trong buổi chia sẻ gần đây, ông Weenrt Boerner, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, cho biết, để cải thiện hiệu quả của HTX, việc chú trọng sản xuất để giảm tác động đến môi trường nhằm hướng đến mục tiêu bền vững là yêu cầu đặt ra của tất cả các nước trên thế giới.
Thời điểm vàng để chuyển đổi sản xuất
Đặc biệt hiện nay, giá phân bón, vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp đang tăng cao khiến nông dân, HTX gặp nhiều thách thức, thậm chí là sản xuất không có lời hoặc lời ít. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn còn có tâm lý lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học làm gia tăng chi phí, ô nhiễm môi trường và cũng là kẽ hở để tình trạng buôn lậu, sản xuất phân bón giả xảy ra.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 3.334 lô thuốc thành phẩm với khối lượng 60.621,52 tấn, tương đương trên 347,71 triệu USD. Trong đó đã phát hiện 01 lô thuốc nhập khẩu không đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, chỉ riêng tại ĐBSCL tổng công suất sản xuất phân bón của các nhà máy, cơ sở sản xuất lên đến 5,8 triệu tấn/năm. Trong đó, sản xuất phân bón vô cơ đạt 5,06 triệu tấn/năm (chiếm 87,2%), còn lại là phân bón hữu cơ (749,6 nghìn tấn/năm).
Nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ là hướng đi bền vững. |
Sản xuất phân bón, thuốc hóa học nhiều cũng đồng nghĩa với tình trạng sử dụng phân, thuốc hóa học lớn. Hiện, bình quân 1ha gieo trồng của người dân vùng ĐBSCL sử dụng 6,27kg thuốc bảo vệ thực vật, cao hơn trung bình cả nước khoảng 64,56%. Những mùa vụ trước, chi phí sản xuất lúa của người dân cao nhất cũng chỉ từ 25 - 30 triệu đồng/ha thì hiện nay, giá phân thuốc tăng cao khiến chi phí sản xuất đội lên thành 40 - 45 triệu đồng/ha.
Lạm dụng phân, thuốc hóa học chính là nguyên nhân khiến nông sản chưa bảo đảm được các tiêu chuẩn xuất khẩu, đã có nhiều lô hàng nông thủy sản Việt phải "hồi hương". Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ riêng trong năm 2021, lượng hàng hóa xuất khẩu đạt hơn 273 nghìn lô với trọng lượng 37 triệu tấn hàng hóa (tăng 19,12 % so với cùng kỳ năm 2020), trong đó có 96 lô hàng (chiếm khoảng 0,035%) không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Khi hàng hóa không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, người chịu thiệt thòi đầu tiên chính là các HTX, người dân.
Sản xuất hữu cơ giảm 20-30% chi phí đầu vào
Trước khó khăn trên, việc cần làm lúc này là phải làm sao để cắt giảm chi phí, hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật trên thế giới và bảo vệ môi trường. Và sản xuất theo hướng hữu cơ chính là định hướng của các chuyên gia đối với người dân, HTX.
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) cho biết, nếu tuân thủ đúng các quy trình hữu cơ, người dân, HTX sẽ giảm được 20-30% chi phí đầu vào, ngoài ra còn giảm phát thải nhà kính, đáp ứng nhu cầu sống xanh, sử dụng sản phẩm sạch của các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, để đạt đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, cao hơn là Organic - hữu cơ đối với các HTX vẫn còn những trở ngại nhất định. Cụ thể là nông nghiệp hữu cơ với nguyên tắc không sử dụng hóa chất được đặt lên hàng đầu. Muốn đáp ứng được tiêu chuẩn này, trước khi bắt tay vào sản xuất, mảnh đất canh tác cần có thời gian 3 năm không sử dụng thuốc hóa học. Đây là điều kiện cần thiết để bảo đảm yếu tố môi trường và chất lượng nông sản nhưng cũng là tiêu chuẩn khó đối với nhiều người dân, HTX khi làm hữu cơ hiện nay.
Để làm được điều này, các nước trên thế giới thường bỏ hoang diện tích đất trong vòng 3 năm, thậm chí nhiều nơi ở Nhật Bản còn bỏ hoang đất 5 năm để tự phân hủy hết chất hóa học cũng như tái tạo lại đất. Riêng tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam hiện cũng đòi hỏi các đơn vị sản xuất phải có 2 năm cho đất nghỉ trước khi áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ.
Thực tế là rất ít HTX đáp ứng được yêu cầu này vì nếu bỏ hoang đất cũng đồng nghĩa với việc người dân không có thu nhập. Đó là chưa kể đến việc khi bắt tay vào sản xuất, các HTX phải đáp ứng hàng trăm tiêu chuẩn khác nhau nhằm nâng cao chất lượng nông sản và giải quyết bài toán bảo vệ môi trường.
Ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Tấn Đạt (Vĩnh Long) cho biết để có được các chứng nhận hữu cơ quốc tế, HTX phải trải qua hành trình dài tới 10 năm. Các thành viên cũng phải từng bước mở rộng diện từ 1 ha và bây giờ lên đến 100ha lúa hữu cơ.
Không chỉ khó khăn ở bước đầu tiên trong sản xuất hữu cơ, việc cấp chứng nhận hữu cơ cũng đang khiến nhiều HTX, người dân gặp khó khăn. Hiện, Việt Nam, chưa có nhiều tổ chức thực hiện chứng nhận sản xuất hữu cơ. Để có được chứng nhận hữu cơ, nhiều HTX phải thuê các tổ chức nước ngoài vào làm việc nên chi phí cao, khó thực hiện, nhất là với các HTX có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp.
Bà Trần Thị Yến, Giám đốc HTX Bù Gia Mập (Bình Phước), cho biết để được cấp chứng nhận, cơ quan chứng nhận sẽ lấy mẫu đất, nước và nông sản đi phân tích. Đối với tiêu chuẩn hữu cơ của EU, Mỹ, HTX phải đạt trên 200 chỉ tiêu thì mới được chứng nhận.
“Tuy nhiên, quy trình này lặp lại mỗi năm và tiền làm lại chứng nhận không hề nhỏ. Không chỉ chịu khoản phí hàng năm, các HTX, nông trại còn phải thuê thêm kỹ sư theo dõi quá trình nuôi trồng nhằm đáp ứng đúng thủ tục đạt được chứng nhận”, bà Yến nói.
Sản xuất hữu cơ dù còn nhiều khó khăn nhưng theo các chuyên gia, không phải là không có cách vượt qua. Để giải quyết vấn đề bỏ hoang đất sản xuất trong 3 năm đầu, các HTX có thể từng bước chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sau đó chuyển sang sản xuất hữu cơ.
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh cũng khuyến cáo nông dân cần giãn cách mùa vụ để bảo đảm đất nghỉ ngơi. Vì thực chất nhiều địa phương ở ĐBSCL đang thực hiện trồng 3 vụ lúa nhưng vụ thứ ba năng suất không cao lại hay trùng vào thời điểm hạn mặn kéo dài.
“Nên sản xuất 2 vụ/năm để đất nghỉ ngơi và tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, tăng thiên địch trong tự nhiên. Nếu bà con, HTX thực hiện đồng bộ các giải pháp này sẽ giảm được chi phí đáng kể và hạn chế ô nhiễm môi trường”, PGS.TS Nguyễn Văn Sánh chia sẻ.
Nói như bà Ino Mayu, điều phối viên Chương trình “Seed to Table”, thực chất để làm nông nghiệp hữu cơ không quá khó. Các HTX chỉ cần tập trung làm theo quy trình đồng bộ, bỏ qua lợi ích trước mắt thì sẽ hướng được tới lợi ích lâu dài. Đặc biệt, các HTX nên tập trung nâng cao công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để tăng thêm giá trị cho nông sản tươi và hạn chế chất thải ra môi trường.
Tùng Lâm