Dương Quốc Phong bảo: Khi quyết định "bỏ phố về làng", tôi đã xác định phải đối diện với vô vàn áp lực. Nhưng tôi đã chuẩn bị đủ hành trang để vượt qua, ước mơ cháy bỏng bao năm qua là tự mình làm ra những mặt hàng nông sản có giá trị, đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu.
Triết lý “Cách mạng một cọng rơm”
Dương Quốc Phong người xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư nông nghiệp, Trường đại học Nông lâm Huế, anh được nhận vào công tác tại Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nông nghiệp Quảng Bình, với những cơ hội rộng mở.
Tuy nhiên, sau 10 năm ấp ủ, thêm 2 năm miệt mài thầm lặng, năm 2017, anh quyết định từ bỏ để trở về quê nhà lập nghiệp và xây dựng HTX rau sạch Dũng Na. Một nơi vừa là xưởng chế biến nông sản tại chỗ, vừa là điểm kết nối những người nông dân trong mạng lưới nông nghiệp sạch mà anh là người "cầm trịch".
Dương Quốc Phong bỏ nghề kỹ sư để trở về gây dựng mạng lưới nông nghiệp sạch. |
Phong kể, Đồng Trạch được mệnh danh là “thủ phủ” rau màu của huyện Bố Trạch, với những tiềm năng lớn để phát triển. Sở dĩ anh chọn mô hình HTX để khởi nghiệp là dựa trên một triết lý trong cuốn sách “Cách mạng một cọng rơm” là đừng cố gắng kiểm soát mọi thứ, muốn thành công hãy cùng làm.
Công việc đầu tiên của Phong sau khi hoàn tất thủ tục thành lập HTX là thuyết phục người nông dân tham gia vào mạng lưới của mình. Để tìm kiếm những người đồng hành, Phong đã đến từng hộ, giải thích cho họ về cách làm, mục tiêu của mình, đồng thời cam kết “lãi mọi người hưởng, lỗ tôi chịu”.
Ban đầu, nhiều người tỏ ra nghi ngại, nhưng khi hiểu được ý nghĩa của dự án, thấy được sự quyết tâm của vị “thuyền trưởng” HTX , một số hộ đã tự nguyện góp công, góp đất để làm "cổ đông".
“Để mọi người hiểu, tôi vừa kết hợp kiến thức sách vở, vừa hướng dẫn trực tiếp tại trang trại. Mưa dầm thấm lâu, mãi rồi mọi người cũng quen. Nông dân mỗi ngày ra đồng trồng rau, cuốc đất, thu hoạch và nhập hàng... đều ghi nhật ký sản xuất tỉ mỉ, cuối vụ biết lời lãi để điều chỉnh hợp lý”, Phong bộc bạch.
Sau nhiều nỗ lực, hoạt động của HTX đã dần định hình, bên cạnh trở thành điểm tựa về sản xuất cho hàng chục hộ liên kết, HTX còn tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 lao động địa phương, thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2019, sau khi nâng diện tích sản xuất lên hơn 1ha, các sản phẩm của HTX được cấp chứng chỉ đạt chuẩn VietGAP, mở đường cho các mặt hàng của đơn vị chiếm lĩnh bếp ăn nội trú của nhiều trường học, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Thương hiệu rau sạch Dũng Na ngày càng được nhiều người biết đến.
Định nghĩa lại thành công
Khi được hỏi “Vì sao đang có công việc ổn định ở vai trò một kỹ sư, cơ hội rộng mở, lại về quê lập nghiệp”, Phong bảo, đó là vì anh khao khát được làm những điều mình thích, mang lại ý nghĩa cho cộng đồng thay vì chỉ nghĩ về những điều tốt cho bản thân.
HTX Dũng Na đang là điểm tựa sản xuất cho nhiều nông dân địa phương. |
Anh kể, khi bắt đầu nhen nhóm ý định "bỏ phố về làng", dồn hết số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, cộng với đi vay nợ để khởi nghiệp với ruộng đồng, anh bị cả gia đình, họ hàng, bạn bè phản đối kịch liệt. "Họ bảo tôi là “gã gàn”. Nếu lúc đó không đủ kiên định, tôi đã không thể thuyết phục mọi người tin mình" Dương Quốc Phong nói.
Tình yêu với ruộng đồng quê hương cũng là cơ sở để anh có thể nhìn ra nỗi bế tắc của những người nông dân cần mẫn, quyết tâm thuyết phục họ tham gia vào HTX, bước lên con đường làm nông nghiệp hữu cơ.
Để làm gương cho các thành viên, anh đã phải tự mình cầm cuốc, hì hục cải tạo đất trồng, áp dụng công nghệ mới như ủ, bón phân hữu cơ, tưới nước tự động, xây dựng nhà màn che chắn... nhiều lúc mệt đến kiệt sức, mắt cay xè, không rõ vì mồ hôi hay nước mắt. Chính sự nhiệt huyết đó của mình, anh đã thuyết phục được những người nông dân vốn trước đó còn nhiều hoài nghi.
“Với những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đòi hỏi họ thay đổi một thói quen, một tư duy khác là rất khó. Nhưng khi họ thấy được ý nghĩa của dự án, có được niềm tin thì họ đi theo mình liền. Những người nông dân không hề có bằng cấp nào trong tay, nhưng khi họ quyết tâm làm mới mình thì cũng đầy quyết liệt và sáng tạo”, Dương Quốc Phong nói.
Hơn 10 năm làm kỹ sư, Phong bảo, càng đi nhiều, tiếp xúc nhiều, anh lại có cái nhìn khác hơn về sự thành công. Thành công chính là thấy mình đủ, được làm những gì mình yêu thích. Thành công là làm được một điều gì đó cho gia đình và những người xung quanh, dù là nhỏ. Khi đó, mọi thước đo về vật chất, chức vị không còn quá nhiều ý nghĩa.
Kiên định con đường đã chọn
Hành trình khởi nghiệp của Dương Quốc Phong cho thấy nông nghiệp là một cuộc chinh phục tự nhiên khốc liệt mà ở đó chỉ có kiến thức đủ dày và tận tâm mới có thể thành công.
Khi chọn cho mình con đường làm nông nghiệp, anh khẳng định đây không phải là một quyết định bồng bột. Hơn 10 năm làm công việc của một kỹ sư nông nghiệp là quãng chuẩn bị hành trang nhằm hiện thực hóa khát vọng về quê, mở một cơ sở sản xuất để biến nông sản quê mình thành những món hàng đắt giá.
“Hơn 10 năm làm kỹ sư, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, tôi biết một khi đã chọn nông nghiệp là xác định đi dài hạn. Vì vậy, không thể tự đi một mình mà cần phải có những cộng sự đi cùng. Nông nghiệp bền vững là một nền nông nghiệp thuận tự nhiên, thân thiện, an toàn. Vì thế tôi chọn thành lập HTX, hướng về ruộng đồng quê hương”.
....................................................
Anh Dương Quốc Phong - Người sáng lập HTX rau sạch Dũng Na
Sau năm 2019, khi đã đạt được một số kết quả ấn tượng, HTX dần đi vào ổn định, hội tụ cả thế và lực để bứt lên thì đại dịch Covid-19 ập tới, mọi thứ như đi chệch khỏi quỹ đạo. Hai năm qua, hoạt động của HTX nhiều thời điểm gần như bị đóng băng, thu nhập của thành viên, người lao động bị ảnh hưởng.
Dương Quốc Phong khẳng định, hành trình khởi nghiệp giống như sơ đồ hình sin, anh cùng HTX đang bước vào một chu kỳ khó khăn, cần một cuộc “cách mạng” trong sản xuất để phục hồi. Nhưng dù thế nào, anh vẫn kiên định với triết lý của mình.
Trong thời gian tới, để mở rộng sản xuất, ổn định thị trường, anh sẽ đẩy mạnh kết nối nhằm thiết lập một mạng lưới bán hàng bài bản, công phu. Nếu như thông thường người nông dân làm ra sản phẩm rồi mới đi tìm đầu ra, thì HTX sẽ làm ngược lại là “đi rao trứng trước khi gà nhảy ổ”.
Để hiện thực hóa mục tiêu, Phong và các cộng sự đang tìm cách liên kết với các đầu mối lớn, tiến hành giới thiệu kế hoạch sản xuất, cam kết quy trình và chất lượng sản phẩm để thuyết phục họ. Khi đã nhận được cái gật đầu, việc còn lại là tổ chức sản xuất, làm ra sản phẩm với tiêu chuẩn cao nhất.
Anh cho biết thêm, những sản phẩm của HTX làm ra đã và đang được gửi tới bạn bè, đối tác, các kênh phân phối thử và cảm nhận. Chính chất lượng sẽ quyết định đầu ra cho HTX. Anh cũng đang dự kiến tổ chức một đội ngũ marketing giới thiệu sản phẩm, sản xuất các clip, viết content, đăng tin bài lên website và quyết tâm biến Facebook thành một công cụ bán hàng hữu hiệu...
Vốn được mệnh danh là “vựa rau” của tỉnh Quảng Bình, xã Đồng Trạch hiện có hơn 700 hộ trồng rau, tổng diện tích sản xuất gần 100 ha. Nếu có được sự hỗ trợ tốt hơn từ cơ quan quản lý, cùng với tinh thần nỗ lực, sáng tạo, tham vọng xây dựng Đồng Trạch thành một “thung lũng silicon nông nghiệp” của HTX Dũng Na có lẽ sẽ không còn xa.
Biên Sơn