Tỉnh Hậu Giang có hơn 200 HTX, trong đó 175 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Lâu nay, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ cho HTX, nhưng do điều kiện địa phương còn khó khăn nên việc thực hiện còn hạn chế. Tuy nhiên, nhiều HTX vẫn hoạt động có hiệu quả nhờ biết tự thân vận động, thích ứng với thị trường để tồn tại và phát triển.
Quy trình sản xuất khép kín
HTX Nông nghiệp Thạnh Phước (xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành) là một điển hình khi đã tìm ra mô hình quản lý, quy trình sản xuất khép kín từ đầu vào đến đầu ra và phải mất gần 10 năm trái chanh không hạt của HTX này mới đứng vững và khẳng định vị thế trên thị trường.
HTX Thạnh Phước áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quy trình sản xuất chanh không hạt (Ảnh: Tư liệu) |
Thành quả này chính là nhờ sự tâm huyết của ban Giám đốc HTX đã mày mò, tìm kiếm và lai tạo ra loại trái chanh không hạt đặc biệt này, cũng như cách thức làm sao đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, giúp tạo việc làm ổn định cho nhiều nông dân.
Anh Nguyễn Văn Dư, thành viên HTX cho biết: "Giống chanh này chỉ trồng 18 tháng là cho trái quanh năm, năng suất từ 30 đến 50 tấn/ha, giá bán bình quân khoảng 15 nghìn đồng/kg, thời điểm cao nhất lên đến 36 nghìn đồng/kg. Tính ra, mỗi năm một ha chanh, người dân thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng".
Chanh không hạt là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh lại cho trái quanh năm. Nhưng với mục đích sản xuất ra những sản phẩm an toàn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng ra thị trường thế giới, HTX đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quy trình sản xuất. Với sự giúp đỡ của Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, HTX tập trung bảo đảm 4 tiêu chí: kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ.
Theo các thành viên HTX, muốn chanh đạt năng suất, chất lượng cao cần bón phân cho cây để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng chủng loại, đúng, liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Đặc biệt, HTX không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn thực phẩm.
Hiện tại, HTX bao tiêu thu mua chanh không hạt của người dân bình quân 15 tấn/ngày, sau đó rửa, phân loại đóng thùng giao cho công ty khoảng 12-13 tấn/ngày. Trung bình, doanh thu của HTX đạt khoảng 3,2 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, còn duy trì sản xuất cây giống cung ứng cho thị trường với số lượng khoảng 300.000 cây/năm. Tổng lợi nhuận từ 2 dịch vụ khoảng 3,8 tỷ đồng.
Sạch và an toàn
Thực tế cho thấy, khi HTX hoạt động theo chuỗi khép kín, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp, thực hiện chế độ kế toán, công khai, minh bạch, huy động được vốn nội tại... sẽ luôn hoạt động đạt hiệu quả. Đơn cử như HTX Thủy sản Đại Thắng (chuyên nuôi cá tra) thuộc xã nông thôn mới Đại Thành (thị xã Ngã Bảy), tuy quy mô nhỏ, nhưng nhờ tổ chức hoạt động bài bản nên đạt hiệu quả cao.
HTX Thủy sản Đại Thắng thành công nhờ tổ chức hoạt động theo chuỗi khép kín an toàn (Ảnh: TL) |
Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX cho biết: Khi mới hoạt động, nguồn vốn lưu động của HTX chỉ có 30 triệu đồng, diện tích nuôi trồng 6 ha với 18 thành viên. Để duy trì ổn định và phát huy hiệu quả sản xuất, HTX trực tiếp đứng ra hỗ trợ dịch vụ đầu vào cho các hộ thành viên. Về đầu vào, HTX ký hợp đồng liên kết với DN để cung cấp đủ nguồn thức ăn chăn nuôi sạch, chất lượng với giá cả hợp lý và có thể trả chậm 50%.
Tham gia HTX, các thành viên được chuyển giao các phương thức sản xuất an toàn, nhằm bảo vệ môi trường và gia tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Theo đó, trong quá trình chăn nuôi, HTX có quy định cụ thể về sử dụng thức ăn chăn nuôi, kháng sinh phòng và chữa bệnh, khử trùng, sử dụng máy móc… bảo đảm các công đoạn được thực hiện an toàn, phát huy hiệu quả cao nhất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và loại bỏ các yếu tố gây hại đến sức khỏe của người chăn nuôi.
Thấy được cái lợi cho nên các thành viên trong HTX luôn tin tưởng, yên tâm sản xuất. Nhờ vậy mà chất lượng cá được bảo đảm, giá thành giảm, thành viên nuôi cá đều có lãi ngay cả khi giá cá tra xuống thấp, chưa kể lợi nhuận được chia từ hoạt động các dịch vụ...
Có thể thấy, việc phát triển theo chuỗi khép kín sạch và an toàn chính là chìa khóa giúp các HTX gặt hái được thành công. Vì thế, tỉnh Hậu Giang đang chủ trương khuyến khích các HTX tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, đạt sản lượng lớn và tạo ra sản phẩm an toàn, nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm nghèo và cải thiện môi trường.
Hoàng Lê