Nông nghiệp sạch đang mang lại nhiều lợi ích cho nông dân (Ảnh Tư liệu) |
Làm nông "tử tế"
Canh tác trên cánh đồng mẫu rộng hơn 2 ha chuyên canh lúa hữu cơ, ông Nguyễn Văn Lợi (xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) khoe: “Vụ Đông Xuân, gia đình tôi thắng lớn, lúa được mùa được giá, thương lái, doanh nghiệp đến tận ruộng thu mua”.
Với 2 ha, gia đình ông thu về gần 15 tấn, nghĩa là sản lượng lúa trung bình đạt hơn 7 tấn/ha, năng suất ấn tượng với cánh đồng áp dụng sản xuất hữu cơ, nói không với các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại. Trừ chi phí, ông “ăn chắc” 50 triệu đồng.
“Việc nhận “tiền tươi” ngay tại ruộng đã không còn xa lạ với chúng tôi kể từ khi liên kết với HTX. Vào HTX, chúng tôi áp dụng mô hình sản xuất sạch, cam kết chất lượng, bảo vệ môi trường sinh thái, qua đó nhận được sự hỗ trợ thiết thực về giống, kỹ thuật, đầu vào, đầu ra…”, ông Lợi phấn khởi nói.
Niềm vui của ông Lợi cũng đang là niềm vui của hàng chục thành viên, hộ liên kết của HTX nông nghiệp dịch vụ 1-5. Theo ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc HTX, lâu nay bà con sản xuất lúa theo truyền thống thường sạ dày, giống thiếu chọn lọc, bón nhiều phân… nên chi phí cao và lợi nhuận thấp.
“Sau khi tỉnh Long An triển khai đề án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, HTX đăng ký tham gia. Hơn 50ha đất lúa của thành viên được quy hoạch lại thành vùng chuyên canh 30 ha lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu và 20ha sản xuất lúa giống chất lượng cao”, ông Bình cho hay.
Nhờ các ngành chức năng của địa phương hỗ trợ kỹ thuật mới, giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách nhìn, quyết tâm làm nông nghiệp "tử tế" để đem lại những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Kết quả, hiệu quả tăng lên rõ rệt, giá trị bình quân tăng 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ so với phương thức cũ.
Làm nông nghiệp "tử tế" là lựa chọn tất yếu đảm bảo sự phát triển bền vững (Ảnh TL) |
Hướng đi bền vững
Cùng tư duy làm nông nghiệp "tử tế" như ở Vĩnh Châu A, trên những cánh đồng rau màu ở xã Long Khê (huyện Cần Đước, tỉnh Long An), nhiều nông dân cũng đang say mê trồng rau sạch theo công nghệ cao.
Anh Lê Phước Tồn – một nông dân trồng rau tại Long Khê, chia sẻ ngày trước, phần lớn diện tích trên địa bàn trồng lúa, năng suất rất thấp. Chỉ đến khi tham gia HTX, chuyển đổi sang mô hình sản xuất rau sạch, với sự đồng hành của cơ quan chức năng, đời sống của người dân mới được cải thiện.
“Ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi các hộ phải ứng dụng khoa học – kỹ thuật, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, chú trọng bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm… Khó hơn nhưng hiệu quả cũng cao hơn. Hiện, với 7 công rau, tôi thu về 300 - 400 triệu đồng/năm”, anh Tồn khoe.
Ông Lê Văn Giấy - Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê) khẳng định phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực, đơn cử như áp dụng tự động hóa nhiều khâu trong canh tác, giúp nông dân giảm công lao động và chi phí đầu tư.
Việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ, áp dụng sản xuất nhà lưới giúp nông dân giảm khoảng 50% sâu bệnh, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
“Nhờ sản xuất khoa học, nông dân tạo ra sản phẩm rau sạch, an toàn nên dễ dàng cung cấp cho các hệ thống siêu thị, nhà hàng, chợ đầu mối… với giá cao. Rõ ràng, nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu để xây dựng những giá trị bền vững về cả kinh tế và môi trường sinh thái”, ông Giấy phân tích.
Nhật Minh