Theo đó, Đà Nẵng tạo mọi điều kiện hỗ trợ thành lập và phát triển các HTX ở tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp. Phấn đấu thành lập mới các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX sản xuất theo hướng 4.0
Ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp
Để phát triển nông nghiệp CNC, Thành phố ưu tiên quy hoạch 7 vùng sản xuất nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch với diện tích quy hoạch hơn 500ha, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư gồm: Trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín ứng dụng CNC, nuôi trồng thủy sản.
Đà Nẵng đang tạo sự đột phá trong nông nghiệp với mô hình nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh: TL) |
Trong đó, Đà Nẵng đã thực hiện quy hoạch Khu nông nghiệp CNC tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang với diện tích 117ha, ban hành danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2017-2020, kêu gọi đầu tư gắn với các vùng, khu nông nghiệp đã quy hoạch.
Bên cạnh đó, Thành phố đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn Luật HTX năm 2012 và Đề án phát triển 15000 HTX, liên hiệp HTX nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong nhận thức và hành động của toàn hệ thống chính trị, người dân và các cấp, các ngành về phát triển kinh tế hợp tác, HTX để thu hút được các doanh nghiệp.
Không chỉ tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX, UBND Thành phố còn yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nhằm hỗ trợ các HTX về tiếp cận vốn vay mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm mới... theo chuỗi giá trị, từ đó thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.
Theo kế hoạch, UBND Thành phố đang phấn đấu mỗi quận, huyện thành lập từ 5-8 tổ hợp tác, 3-5 HTX, liên hiệp HTX. Về phía chính quyền sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ thành lập và phát triển HTX, liên hiệp HTX nhằm phát triển kinh tế hợp tác, từ đó làm nền tảng phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ - đô thị và bảo vệ môi trường sinh thái.
HTX tiêu biểu sản xuất theo hướng 4.0
Thời gian qua, không ít HTX ở Đà Nẵng đã hoạt động sản xuất hiệu quả theo mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất nhằm nâng cao hơn nữa thương hiệu sản phẩm của mình.
Tiêu biểu là HTX Kim Thanh (Thanh Khê) chuyên sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến các sản phẩm từ nấm như: nấm sò, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm linh chi.
HTX Kim Thanh sản xuất theo hướng công nghệ 4.0 (Ảnh: TL) |
Để triển khai hợp tác đầu tư và mở rộng phương án sản xuất theo hướng hiện đại gắn liền với công nghệ 4.0, HTX sẽ đầu tư tập trung trọng điểm cơ sở sản xuất có quy mô khép kín, đồng bộ và bảo đảm năng lực sản xuất có hiệu quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, liên kết với các HTX cùng nhóm ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất gia công các công đoạn HTX có thế mạnh trong chuỗi giá trị, cùng hỗ trợ nhau để phát triển thương hiệu.
Do đó, HTX đã chủ động tiếp cận và mạnh dạn ứng dụng công nghệ, đưa máy móc vào thay thế lao động thủ công, nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Theo ông Huỳnh Văn Mười - Giám đốc HTX Kim Thanh: Để giải quyết công đoạn hấp bịch phôi giá thể làm nấm, mới đây HTX đã lắp đặt lò hấp bằng inox có amiang cách nhiệt bao bọc, dùng bằng điện năng, giảm 70% thời gian, thao tác thuận lợi và không thải khí, chất độc tác động tới môi trường.
Ngoài ra, HTX Kim Thanh còn lắp đặt hệ thống phun sương tạo ẩm cảm biến làm mát môi trường trang trại nuôi trồng nấm.
Không chỉ vậy, để chủ động hơn trong việc điều phối kế hoạch cung ứng thị trường, bảo quản và chế biến nấm, HTX đã dùng máy sấy thực phẩm và được thị trường đón nhận cũng như có đầu ra ổn định dù mức giá cao hơn một số đơn vị trồng nấm khác.
Ngọc Giang