Mô hình sản xuất rau màu xuất khẩu tại Hải Dương được triển khai từ năm 2017, trên địa bàn 5 huyện gồm Cẩm Giàng, Nam Sách, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành. Với mục tiêu ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất an toàn, hướng tới xuất khẩu, mô hình đã nhanh chóng cho thấy hiệu quả vượt trội.
Hiệu quả thiết thực
Gặt hái nhiều thành công với mô hình trồng súp lơ, ông Trương Công Hiện (xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ) cho biết, tham gia mô hình, các hộ thành viên được tỉnh hỗ trợ 50% chi phí giống và vật tư, được tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, kiến thức về an toàn lao động (ATLĐ)…
Nhờ được trợ lực, áp dụng linh hoạt phương thức sản xuất an toàn, hiện đại, mô hình sản xuất của các hộ dân trên địa bàn huyện Tứ Kỳ nhanh chóng phát triển mạnh, cho năng suất, chất lượng cao, đồng thời, bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao hơn mức bình quân 10 - 25%.
“Hiện, 100% súp lơ của các hộ tham gia mô hình tại Tứ Kỳ được doanh nghiệp bao tiêu với giá 4.500 - 5.000 đồng/ cái, cao hơn giá thị trường 500 - 1.000 đồng/cái. Với mỗi sào trồng súp lơ vụ Đông năm 2019, người sản xuất sẽ có lãi 4 - 5 triệu đồng”, ông Hiện phấn khởi cho biết.
Cùng chung niềm vui, các hộ tham gia mô hình trồng cải bắp, súp lơ tại các xã Thái Tân, Minh Tân (huyện Nam Sách), Cẩm Vân (huyện Cẩm Giàng), Kim Tân, Phạm Trấn, Lê Lợi (huyện Gia Lộc)… cũng cho biết rau củ trồng trong mô hình có độ đồng đều cao, cây sinh khỏe, ít sâu bệnh hại.
Điển hình như cây cải bắp đang cho năng suất trung bình 42 - 45 tấn/ha, với giá thu mua 2.500 - 4.000 đồng/kg, doanh thu đạt 150 -180 triệu đồng/ ha, lợi nhuận đạt 2 - 2,5 triệu đồng/sào (đã trừ công lao động). Mô hình trồng cà rốt dự kiến năng suất đạt 45 - 48 tấn/ha, giá thu mua 4.000 - 6.000 đồng/kg, doanh thu 180 - 220 triệu đồng/ha.
Các mô hình rau màu sản xuất theo hướng an toàn tại Hải Dương đang cho hiệu quả cao |
Mở cửa xuất ngoại
Ông Nguyễn Văn Vóc - Phó Giám đốc Sở KH&CN Hải Dương, đánh giá: “Điểm nhấn lớn nhất của các mô hình không chỉ là hiệu quả kinh tế vượt trội, mà còn mang lại những lợi ích lớn về sản xuất an toàn, bảo đảm ATLĐ cho người sản xuất, cung cấp sản phẩm sạch đến cho người tiêu dùng”.
Theo hợp đồng liên kết, để nâng cao hiệu quả sản xuất, phía doanh nghiệp sẽ cử đội ngũ kỹ thuật xuống trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, kỹ năng sử dụng máy móc, kiến thức về ATLĐ… giúp người nông dân canh tác đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản.
Đơn cử, trong quá trình sản xuất bắp cải, các hộ dân huyện Cẩm Giàng được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình vận hành máy an toàn và áp dụng phương thức “4 đúng” khi canh tác, giúp năng suất cây tăng 30 - 35%, các quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm cũng được bảo đảm tuyệt đối.
“Dưới sự dẫn dắt của doanh nghiệp, HTX, các hộ tham gia mô hình dễ dàng áp dụng kiến thức để sản xuất an toàn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, phục vụ mục tiêu xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Lào và Campuchia, với sản lượng khoảng 2.000 tấn/ năm”, ông Vóc cho hay.
Với sự đồng hành của các địa phương cùng người dân, mô hình sản xuất rau màu an toàn xuất khẩu đã đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra cho năm 2019 và các năm trước đó. Đặc biệt, tỉnh đã lựa chọn được bộ giống rau phù hợp thị trường xuất khẩu; xây dựng được quy trình thâm canh cho từng giống rau, củ; kết nối thành công với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Hưng Nguyên