Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội chia sẻ, mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm được tận dụng quay trở lại làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác, thông qua áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để trở thành các sản phẩm phân bón, sản phẩm hữu dụng.
Hiệu quả từ mô hình nuôi cá "Sông trong ao"
Nhất là ở lĩnh vực chăn nuôi, mô hình kinh tế tuần hoàn lại rất cấp thiết để có môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, Hà Nội đang thúc đẩy các mô hình sản xuất tuần hoàn, thuận theo tự nhiên. Thời gian tới, đối với từng loại hình sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng hành lang kỹ thuật và phổ biến rộng rãi để các hộ nông dân có thể áp dụng thông qua các mô hình khuyến nông mới.
Các mô hình HTX nông nghiệp tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kép cho ngành nông nghiệp Thủ đô. |
Như ở HTX Đại Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, từ một vùng đất trũng khó canh tác ở địa phương, HTX đã thực hiện mô hình nuôi cá sạch "sông trong ao" theo tiêu chuẩn Vietgap.
Ông Nguyễn Văn Thiêm, Giám đốc HTX chia sẻ, trong sông được trang bị máy tạo dòng, máy sục khí, máy quạt nước, máy cho ăn tự động, máy hút chất thải đáy... Bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá, hình thành cho cá thói quen vận động và bơi ngược dòng liên tục 24/24 giờ làm cho thịt cá săn chắc, không có mùi bùn, thơm ngon hơn so với nuôi cá trong ao nước tĩnh truyền thống.
Dòng nước tuần hoàn đẩy chất thải của cá xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, bảo đảm môi trường nước sông nuôi luôn sạch. Bên ngoài sông, người nuôi tận dụng mặt nước có thể thả cá mè, rô phi, trôi để tăng cường xử lý môi trường nước cho sông nuôi.
Đây là những điểm khác biệt của mô hình nuôi cá “Sông trong ao” so với phương pháp nuôi truyền thống. Khi áp dụng công nghệ nuôi cá “Sông trong ao” giúp cho quá trình cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn nhiều lần so với cách nuôi cá truyền thống.
“Trước đó, HTX xã đã mạnh dạn tham quan các mô hình nuôi cá ở trong nước và ở Mỹ. Chuyên gia nước ngoài đã nhiệt tình hướng dẫn cho HTX thực hiện mô hình này”, ông Thiêm cho biết.
Theo ông Mỹ, mỗi năm, các địa phương của Hà Nội sẽ có từ 5-10 mô hình sản xuất tuần hoàn điểm, phù hợp với địa hình canh tác, tập quán sản xuất của người dân... làm cơ sở để nhân rộng.
“Tận dụng tối đa phụ phẩm trong nông nghiệp để tái phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp giảm chi phí “đầu vào” cho sản xuất mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Trong bối cảnh hiện tại, hướng đi này mang lại hiệu quả kép cho ngành nông nghiệp Thủ đô”, ông Chu Phú Mỹ cho biết.
Theo định hướng đó, tại huyện Thường Tín, nhiều hộ nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất vừa góp phần phục hồi hệ sinh thái môi trường trên đồng ruộng, vừa cho hiệu quả kinh tế cao.
Việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm do Nhật Bản sản xuất để xử lý rơm rạ làm phân bón lót trước khi cấy và trong từng giai đoạn phát triển của cây lúa không chỉ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật có lợi cho đất mà còn giúp cải tạo đất sau thời gian dài sử dụng phân bón vô cơ.
Đã có nhiều HTX, người dân đã quan tâm đến sản xuất, kinh doanh theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn |
Kinh tế tuần hoàn là lối ra cho các HTX
Ông Hồ Văn Ban, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quất Động chia sẻ, phương pháp canh tác này không chỉ góp phần hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra nguồn phân bón tự nhiên giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đang triển khai mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả. Trong mô hình này, người nông dân đã tận dụng nguyên liệu từ phụ phẩm rơm rạ trong trồng lúa để trồng nấm, bã rơm rạ sau khi thu hoạch nấm được tận dụng để bón cho cây trồng (cây ăn quả, rau màu) rất tốt.
Ông Trần Sỹ Hùng, Giám đốc HTX nấm Nghĩa Minh, huyện Đan Phượng cho biết, nhiều năm qua, Đan Phượng là một trong những địa phương có diện tích trồng trọt và đàn vật nuôi lớn, dẫn tới phế phụ phẩm sau mỗi mùa vụ ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, chỉ một phần được xử lý thành phân hữu cơ hay làm thức ăn nuôi giun quế,... phần còn lại chủ yếu bị thải bỏ và trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường. Đây là một sự lãng phí nguồn nguyên liệu hữu cơ vẫn còn dinh dưỡng tồn dư cao mà không được tái sử dụng hợp lý.
Vì vậy, giải pháp trồng nấm vừa đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, vừa không gây ô nhiễm môi trường mang lại cho thu nhập tương đối cao, đặc biệt là cư dân đô thị vốn không có đất canh tác.
Ngoài các mô hình trên, TP. Hà Nội hiện nay cũng đang triển khai một số mô hình nông nghiệp tuần hoàn như: Vườn - Ao - Chuồng - Bioga (VACB); Vườn - Ao - Chuồng - Rừng (VACR); Vườn - Ao - Hồ (VAH); “lúa thơm - tôm sạch” và “lúa thơm - cá sạch”; Mô hình sản xuất tổng hợp bò - trùn quế - cỏ/ngô - gia súc, gia cầm - cá; mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm-Food-Feed-Ferlitizer: Trồng trọt - thực phẩm - chăn nuôi - phân bón); mô hình “vòng tuần hoàn xanh” trong các trang trại bò sữa.
Hiện nay, nhiều HTX, người dân đã quan tâm đến sản xuất, kinh doanh theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì còn nhiều bỡ ngỡ về vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí của nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ, thậm chí còn mơ hồ, chưa đầy đủ. Đây là một trong những rào cản cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở Thủ đô.
Để khuyến khích các HTX có tiềm lực lớn đầu tư khai thác nông nghiệp tuần hoàn, theo ông Chu Phú Mỹ, cần đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường, xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn, sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa nông nghiệp tuần hoàn. Để thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn phát triển, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo hình thành hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, thuận lợi để thu hút các HTX tham gia, trong đó, xác định HTX đóng vai trò trung tâm và là hạt nhân nòng cốt.
Hoàng Hằng