Kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, giá trị gia tăng, tạo ra một lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Mang lại nhiều lợi ích
Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên, tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng.
Các phế thải của quá trình trồng trọt được xử lý để làm thức ăn cho giun quế, tạo thành một vòng tròn khép kín của kinh tế tuần hoàn. |
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành một trong những xu thế chủ đạo. Thực tế, nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như: phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng, tái chế, tái sử dụng chất thải, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường...
Thực tế, đã có nhiều mô hình của kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp nói chung và trong khu vực kinh tế HTX nói riêng hiệu quả, như: Mô hình Vườn-Ao-Chuồng (VAC) và biến thể Vườn-Ao-Chuồng-Biogas (VACB), Vườn-Ao-Chuồng-Rừng (VACR) - mô hình kết hợp giữa VAC với hoạt động lâm nghiệp tại các tỉnh miền núi và Vườn-Ao-Hồ (VAH) - mô hình trang trại trên cát tại các tỉnh miền trung đã không chỉ giúp giảm phát thải mà còn đem lại thu nhập tốt cho người dân.
Trong bối cảnh nông nghiệp với các sản phẩm được sản xuất thông qua hình thức trang trại đang trở nên phổ biến, việc áp dụng các mô hình mở rộng của VAC, theo các nguyên lý của kinh tế tuần hoàn sẽ là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn.
HTX Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội, đã chọn đi con đường sản xuất theo chuỗi khép kín, hướng về tự nhiên, không chất thải, không cám công nghiệp, không hoá chất độc hại. Sử dụng công nghệ chế phẩm vi sinh EM của Nhật Bản, trang trại không tạo ra rác thải gây ô nhiễm nguồn nước hay môi trường xung quanh. Lớp đệm vi sinh sau quá trình chăn nuôi được tái sử dụng để trồng cây.
Ông Trần Văn Chiến, giám đốc HTX chia sẻ, mô hình chăn nuôi truyền thống tại Việt Nam là mô hình chăn nuôi tuyến tính, chỉ phát triển theo một chiều, tưởng tạo ra thực phẩm an toàn nhưng thực ra lại không an toàn. "HTX đã được đào tạo, nghiên cứu, hướng tới mô hình chăn nuôi xử lý triệt để chất thải, biến chất thải của quy trình này trở thành đầu vào của quy trình khác, chất thải trong chăn nuôi được sử dụng trong trồng trọt", ông Chiến nói.
Cũng định hướng phát triển mô hình kinh tế "xanh", kinh tế tuần hoàn, HTX Chung Nghĩa, Hà Trung, Thanh Hóa do ông Hoàng Kim Chung làm giám đốc với mô hình trang trại đã triển khai kế hoạch đa dạng hóa tạo dòng sản phẩm từ những nguyên liệu tự trồng tại trang trại theo hướng hữu cơ, sạch và an toàn. HTX đã liên kết với các HTX khác để cùng gieo trồng và chăm sóc cây thảo dược, phục vụ sản xuất.
Các phế thải của quá trình trồng trọt như: rơm rạ, cỏ dại, bèo… được xử lý để làm thức ăn cho giun quế và phân bón hữu cơ.
Theo ông Chung, hiện tại, những mô hình này đang được chuyển giao công nghệ, nhân rộng trong cộng đồng để hình thành vùng nuôi trồng có môi trường sạch, chất lượng đạt tiêu chuẩn và đáp ứng được nhu cầu sử dụng các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch ngày càng tăng của người tiêu dùng. Đây cũng là xu hướng phát triển phù hợp với bối cảnh hậu Covid-19.
Kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững
Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn diễn ra nhanh hơn, đặc biệt trong khu vực kinh tế tập thể, HTX ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc Gia TP. HCM cho biết, cần có hành lang pháp lý đầy đủ cho sự hình thành và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, về tài chính cần có chính sách ưu đãi cho vay vốn để đổi mới công nghệ, phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo, nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, chú trọng công nghiệp tái chế, thân thiện với môi trường. Đồng thời có chính sách hỗ trợ hoặc ưu đãi thuế khi thực hiện phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.
Chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cơ hội để nước ta phát triển nhanh và bền vững. |
"Cần hình thành hệ thống thông tin, tạo cơ chế hình thành động lực thị trường, dựa trên các tiêu chí về hiệu quả đầu tư và thân thiện với môi trường, khuyến khích các HTX, thành viên HTX phát triển các lĩnh vực thuộc kinh tế tuần hoàn. Tăng cường sự liên kết giữa các HTX với HTX, HTX với doanh nghiệp, trong đó tập trung nâng cao năng lực của HTX trong chuỗi theo hướng bền vững", ông Quân nói.
Ở góc độ quản lý Nhà nước về môi trường, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường chia sẻ, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện.
Trong đó, xem phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm...
"Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm động lực để phát triển kinh tế tuần hoàn. Phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam, khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn", ông Thức chia sẻ.
Có thể nói, việc phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Với khu vực kinh tế hợp tác, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cơ hội để các HTX phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu vì sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế này.
Hoàng Hằng