HTX Đức Lâm đã nâng cao được giá trị sản phẩm bằng cách xây dựng thương hiệu gạo Thế Cường |
Là một trong những HTX tiên phong trong lĩnh vực đầu tư phát triển nông sản sạch. Sau hơn 8 năm hoạt động, HTX có những thành công ban đầu từ phát triển thương hiệu gạo của riêng mình và xuất khẩu sang nhiều nước.
Xây dựng thương hiệu gạo Thế Cường
Trước đây, các hộ có nghề phụ xay xát gạo đã liên kết tập hợp thành HTX Sản xuất kinh doanh giống và Thương mại chế biến nông sản Đức Lâm (xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) để có đủ năng lực và tư cách pháp nhân trong sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Khi đó, HTX Đức Lâm đã trở thành một trong những đơn vị liên kết cung ứng giống lúa, thu mua thóc thương phẩm trên địa bàn huyện Đức Thọ, chế biến gạo thương phẩm theo chuỗi liên kết giá trị nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tính trung bình, mỗi năm, HTX Sản xuất kinh doanh giống và Chế biến nông sản Đức Lâm thu mua 15.000 tấn lúa của bà con nông dân. Giám đốc HTX Nguyễn Bá Thanh, chia sẻ: “Từng sản xuất lúa gạo, tôi thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân về tiêu thụ sản phẩm. Năm 2012, tôi cùng các xã viên khác hợp sức lại thành lập HTX. Đồng thời, xây dựng thương hiệu gạo Thế Cường để cung ứng sản phẩm ra thị trường”.
Hiện tại, ở nhiều doanh nghiệp địa phương trong và ngoài tỉnh đã có các đại lý chuyên cung cấp tiêu thụ sản phẩm gạo Thế Cường. Mặc dù lợi nhuận chưa cao, song sự hỗ trợ về tiêu thụ lúa gạo của HTX Đức Lâm cho bà con nông dân là rất lớn nhưng HTX vẫn đang nỗ lực phối hợp với các doanh nghiệp khác để xuất khẩu gạo sang các thị trường Lào, Trung Quốc.
HTX Sản xuất, kinh doanh giống và thương mại dịch vụ chế biến nông sản Đức Lâm hiện đã khẳng định được thế đứng trong chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình. Ngoài cung ứng vật tư nông nghiệp, HTX còn thu mua, chế biến và phân phối nông sản.
Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường lượng gạo lớn, đưa về hàng trăm triệu đồng cho đơn vị |
Bắt rác thải "đẻ" ra tiền
Xuất khẩu gạo càng lớn thì cũng có nghĩa lượng vỏ trấu sẽ càng nhiều và việc làm thế nào để xử lý lượng vỏ trấu này để không ảnh hưởng tới môi trường cũng là bài toán đặt ra với Ban lãnh đạo HTX. Theo chia sẻ của lãnh đạo HTX, bình quân mỗi ngày, lượng lúa nguyên liệu chế biến của HTX lên tới 15 - 20 tấn, thải ra 1,5 - 2 tấn vỏ trấu, nếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng đến môi trường do lượng vỏ trấu khá lớn nên khu vực kho chứa của HTX xử lý không xuể.
Trước thực trạng này, đầu năm 2019, HTX đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc, kho chứa hàng để sản xuất củi trấu theo công nghệ ép thanh, ép viên từ vỏ trấu và các phụ phẩm trong nông nghiệp.
Ông Thanh cho biết sau khi đầu tư dây chuyền ép củi trấu, mỗi ngày HTX có thể ép được 5 tấn củi trấu, giải quyết vấn đề nan giải mà lâu nay người dân luôn phải đối mặt là lượng trấu tồn dư phải đem đi đốt, gây ô nhiễm môi trường.
Đáng nói, khi giải quyết được lượng trấu tồn đọng trong nhà kho, HTX còn trở thành đơn vị thu gom số trấu của các nhà máy xay xát trong huyện và các địa phương lân cận về để ép thành củi trấu. Bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất gần 150 tấn củi trấu thành phẩm, giá bán từ 1 - 1,5 triệu đồng/tấn. Trừ chi phí nhân công, tiền điện và khấu hao máy móc, trung bình mỗi tháng, HTX thu về hàng chục triệu đồng.
Với mức giá khoảng 1.500 đồng/kg, củi sản xuất từ vỏ trấu ép có giá rẻ hơn rất nhiều so với các loại chất đốt từ than, củi hoặc gas. Vỏ trấu ép khi đốt không sinh ra mùi, rất ít khói và khói không làm cay mắt, không gây ngạt, độc hại cho người sử dụng. Sản phẩm củi trấu của HTX chủ yếu cung cấp cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và một số nhà hàng, lò bánh mì, cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn.
Nhờ đầu tư máy móc để biến loại phế phẩm này thành sản phẩm chất đốt, HTX đã khắc phục được tình trạng đưa vỏ trấu đốt ngoài đồng, vứt bỏ ngổn ngang, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Đồng thời, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Trong bối cảnh nhu cầu chất đốt của người dân và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng cao vấn đề bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên có hại, tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm phải được ưu tiên hàng đầu, việc sử dụng các sản phẩm từ vỏ trấu được xem là giải pháp công nghệ và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, thân thiện với môi trường.
Trước xu thế này, không chỉ HTX Đức Lâm mà nhiều doanh nghiệp, HTX, đơn vị sản xuất kinh doanh cũng biến phụ phẩm nông nghiệp thành than sạch, nguyên liệu trồng nấm hay sử dụng công nghệ định hình sinh khối để sản xuất thanh nhiên liệu có chất lượng cao từ trấu.
Tiêu biểu như công ty TNHH MTV PT Computer (Tiên Yên – Quảng Ninh), HTX Nấm Thiên Phú (xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), HTX Duyên Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành (Quảng Nam)...
Hà An