Gần đây, mô hình kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu được quan tâm. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm được quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với những ứng dụng rất linh hoạt trong quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh.
Xu thế tất yếu
Theo TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững. Từ đó, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, là hạt nhân để thực hiện chủ trương phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong bối cảnh của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín đang được nhiều HTX ứng dụng. |
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, kinh tế tuần hoàn tức là không cái gì bị bỏ đi, các bên đều chiến thắng trong chuỗi giá trị của quá trình sản xuất khép kín, ứng dụng công nghệ cao trong tái chế để tái sử dụng rác thải và phụ phẩm trong nuôi trồng, chế biến nông, lâm thủy sản tạo ra giá trị gia tăng cao.
Đặc biệt có thể nghiên cứu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý để xử lý chất thải và xác vật nuôi bị nhiễm bệnh thành các sản phẩm phân bón, sản phẩm hữu dụng, an toàn. Điều này vừa tránh được những bất cập trong tiêu hủy, chôn lấp vừa tiết kiệm chi phí và tránh gây ô nhiễm môi trường.
Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế chính xác, thông minh, sử dụng tái chế, quay vòng sản xuất, chế biến và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu và đi đến triệt tiêu các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Nền kinh tế tuần hoàn còn được gọi là kinh tế không phế thải, tất cả các chất thải, sản phẩm phụ, phế phụ phẩm, thiết bị, công cụ, vật liệu, hóa chất... đã sử dụng còn trong quá trình sản xuất này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác và quay vòng một cách liên tục và cuối cùng là không để lại chất thải.
Bảo đảm môi trường bền vững
Hiện nay, đã và đang xuất hiện một số mô hình có “bóng dáng” kinh tế tuần hoàn trong khu vực kinh tế tập thể, HTX. Có thể kể đến mô hình Vườn -Ao - Chuồng (VAC) của HTX nông nghiệp Mai Pha Land, xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn, HTX đang đầu tư nuôi 150 m2 giun quế.
Việc nuôi giun quế có ý nghĩa rất lớn đối với mô hình vườn – ao – chuồng khi các chất thải nông nghiệp như: phân gà vịt, lợn, trâu, bò, cỏ dại, lá cành, rau củ… là thức ăn của giun.
Mô hình cá- lúa của HTX nông nghiệp An Mỹ. |
Nhờ giun quế chất thải không chỉ phân hủy nhanh mà còn giúp đàn giun sinh sôi, phát triển mạnh mẽ. Trong chăn nuôi, đây là nguồn dinh dưỡng phong phú. Đối với cây trồng, chất thải từ giun quế lại là phân bón hữu cơ rất tốt. Điều này giúp giảm chi phí đầu vào, hạn chế phụ thuộc thức ăn chăn nuôi và phân bón hóa học.
Bên cạnh mô hình VAC, còn có mô hình lúa- tôm; lúa- cá. Mô hình lúa- tôm được áp dụng từ đầu những năm 2000 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Còn mô hình “lúa, cá” được thực hiện ở các tỉnh vùng trũng, hay vùng ngập úng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Trong mô hình này, khi nuôi tôm hoặc cá trong ruộng lúa, phân của tôm, cá và thức ăn còn dư (của tôm, cá) sẽ làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa. Ngược lại, khi gặt lúa xong, thả tôm (cá) vào ruộng, gốc rạ, thóc rơi vãi trở thành nguồn thức ăn cho tôm, cá.
Điển hình cho mô hình này là HTX nông nghiệp An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ưu điểm của mô hình cá - lúa là tận dụng được lá lúa, các sinh vật phù du, gốc rạ làm thức ăn cho cá. Hơn nữa, cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại, giúp giảm công làm cỏ, sinh trưởng phát triển tốt, tiết kiệm được nhiều chi phí.
Theo ban lãnh đạo HTX nông nghiệp An Mỹ, cá chỉ ăn được lá lúa nằm thấp phía dưới nên vẫn bảo đảm cho cây lúa sinh trưởng, phát triển. Trong quá trình nuôi, các thành viên thường xuyên chú ý điều tiết mực nước ra vào ruộng cho phù hợp, sử dụng chế phẩm sinh học. Đến gần thời điểm thu hoạch, bà con tăng cường thức ăn cho cá, bổ sung các loại thảo dược, cho năng suất cao.
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn theo Ts Lại Văn Mạnh, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hình thành hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, thuận lợi đối với kinh tế tuần hoàn, HTX là động lực quan trọng, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và người dân tham gia thực hiện.
Bên cạnh đó cần khuyến khích năng lượng tái tạo, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, chống đốt rơm rạ, đốt nương rẫy, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Đưa chủ trương thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vào Nghị quyết của Đảng và đề nghị Quốc hội ban hành luật thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, có chính sách khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và HTX. Xác định rõ ràng trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, HTX đóng vai trò trung tâm làm hạt nhân nòng cốt.
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Do đó, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chính là việc chuyển đổi phù hợp mà nước ta đang hướng tới vì mục tiêu phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững .
Hoàng Hằng