Vụ xuân năm 2020 vừa khép lại, đánh dấu mùa đầu tiên xã Tân Phong triển khai thí điểm thành công mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ. Mặc dù mới được đưa vào triển khai nhưng mô hình này bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Lợi ích môi trường
HTX Tân Phong đang cùng người dân sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 21 ha và thực hiện theo mô hình cánh đồng lớn. Mặc dù sản xuất lúa hữu cơ không phải là mô hình quá mới mẻ trên địa bàn tỉnh nhưng để mang lại hiệu quả cũng như sự vào cuộc của người dân không phải là chuyện dễ dàng.
Để tham gia mô hình, các hộ dân phải tuân thủ nghiêm ngặt những kỹ thuật cần áp dụng. 100% hộ tham gia phải thực hiện ủ và sử dụng phân chuồng được ủ bằng chế phẩm sinh học để bón cho ruộng lúa. Khác với sản xuất đại trà, HTX đứng ra liên hệ với doanh nghiệp nhằm cung cấp thêm một số loại phân bón hữu cơ phục vụ người dân trong quá trình chăm sóc cây lúa.
Mặc dù lúc đầu gặp phải ruồi vàng gây hại, cây lúa phát triển chậm so với trồng theo lối cũ khiến bà con có phần lo lắng, song phần đông các hộ vẫn kiên trì sản xuất. Chỉ sau một thời gian ngắn, hiệu quả của việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trong được sản xuất lúa được thể hiện rõ rệt.
![]() |
Áp dụng phương pháp hữu cơ giúp cây lúa chắc khỏe, it sâu bệnh (Ảnh:TL) |
Điều dễ nhận thấy nhất là cây lúa luôn chắc khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, trong thời kỳ trổ bông nhưng lúa ít nhiễm sâu bệnh. Cây lúa cho bông dài, không bị đổ ngã khi gặp mưa giông.
“Mặc dù dịp Tết Nguyên đán 2020 bị tác động của thời tiết như mưa đá song cơ bản có thể thấy được lúa hữu cơ đẹp hơn hẳn so với lúa trồng theo lối cũ. Cây bền, hạt lúa chắc mẩy”, ông Đặng Văn Tắc, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phong, cho hay.
Bên cạnh đó, mô hình sản xuất còn giúp đất đai được cải tạo tốt hơn, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo. Điều đáng mừng là giờ đây trên các bờ ruộng không còn tình trạng vỏ chai thuốc hóa học tràn lan, bừa bãi như trước.
Sản xuất lúa hữu cơ ngoài hiệu quả kinh tế còn có tác động lớn về mặt môi trường khi vừa sản xuất vừa nuôi dưỡng đất và bảo vệ môi trường sống an toàn cho người dân. Chất lượng nông sản tốt góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
“Đầu tư sản xuất lúa hữu cơ đã nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân, góp phần giảm công lao động, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng. Đây cùng là hướng đi thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay”, ông Đặng Văn Tắc cho biết.
Triển vọng mở rộng
Theo ban giám đốc HTX Tân Phong, năng suất lúa hữu cơ đạt bình quân 1,8 – 2 tạ/ sào, tuy có thấp hơn 18 -20 kg so với sản xuất theo lối cũ, song với những ưu điểm mà mô hình này mang lại, vụ tới HTX sẽ tăng diện tích lên 30ha và tiếp tục trồng 2 giống lúa chính là ADI28 và DT39 Quế Lâm.
Ông Nguyễn Đình Bông, Phó giám đốc Tân Phong, cho biết gia đình ông có 3 mẫu lúa hữu cơ, vụ tới ông sẽ tăng thêm 2 mẫu nữa và tiếp tục áp dụng phương pháp hữu cơ.
![]() |
HTX hỗ trợ người dân sản xuất cũng như thu hoạch lúa (Ảnh:TL) |
Bên cạnh hỗ trợ về giống theo chương trình của tỉnh như trước đây, HTX còn đứng ra hỗ trợ người dân 50% giá trị phân bón và 10 nghìn đồng/sào chi phí sử dụng phân, thuốc, hỗ trợ gặt bằng máy. Đây chính là động lực thu hút người dân tham gia HTX và tiếp tục mở rộng diện tích.
Để nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ, HTX Tân Phong đang tích cực liên kết với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ sinh học thuộc Tập đoàn Quế Lâm tổ chức lớp tập huấn cho các hộ dân để mọi người vững vàng hơn trong sản xuất.
Thời gian tới, HTX tích cực liên kết với doanh nghiệp và cơ quan quản lý để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thông qua việc đầu tư cho công đoạn sơ chế, đóng gói nhằm từng bước ổn định đầu ra cho lúa gạo hữu cơ Tân Phong.
Huyền Trang