Bên cạnh cây bưởi, chè cũng là một trong những cây truyền thống ở Đoan Hùng. Tuy nhiên, việc người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách trong sản xuất không chỉ làm giảm năng suất và chất lượng, mà còn gây ô nhiễm môi trường. Để hạn chế tình trạng này, HTX Minh Tiến đã có những giải pháp cụ thể.
Chú trọng môi trường
Theo Ban giám đốc HTX, trước đây khi chưa tham gia HTX, người nông dân tự kiểm tra sâu bệnh, tự mua thuốc phun cho chè trong khi thực tế họ không biết mua thuốc gì để phun cho đúng, còn các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chỉ biết chạy theo lợi nhuận bán cho người dân thuốc ngoài danh mục, thuốc có độ độc cao… dẫn đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm chè thường vượt ngưỡng cho phép. Đồng thời, đất đai dần bị thoái hóa, cây chè rơi vào tình trạng cằn cỗi, kháng thuốc và dần nhiễm rất nhiều sâu bệnh.
Trước thực trạng đó, HTX Minh Tiến đã thành lập tổ bảo vệ thực vật và đứng ra cam kết với các hộ dân về cách thức hoạt động và chi phí các hộ dân phải chi trả cho mỗi lần phun thuốc.
Khi chè bị sâu bệnh sẽ được kiểm tra cụ thể để có giải pháp xử lý hiệu quả (Ảnh:TL) |
Khi người dân phát hiện tình trạng sâu bệnh sẽ báo ngay cho cán bộ kỹ thuật của tổ bảo vệ thực vật. Cán bộ kỹ thuật sẽ kiểm tra, xác định diện tích bị hại, loại sâu bệnh, loại thuốc cần phun, thời gian phun để dùng thuốc và phun thuốc phù hợp.
Sau khi phun thuốc sẽ ghi rõ lý lịch phun thuốc, thời gian cách ly và ngày thu hái từng vườn chè chính xác, rõ ràng vào sổ nhật ký sản xuất của các hộ dân. Đồng thời, cắm biển cảnh báo phun thuốc vào vườn để người dân biết.
Với cách thức này, các hộ dân không phải chuẩn bị nơi chứa thuốc, vỏ bao thuốc cũng như điểm pha thuốc và hố xử lý nước thải sau khi phun, mà được các thành viên trong tổ bảo vệ thực vật làm tập trung theo đúng quy trình kỹ thuật. Kinh phí hoạt động sẽ được thu từ các hộ trồng chè và được trừ vào tiền bán búp mà HTX chi trả cho các hộ dân hàng tháng.
Khi tổ bảo vệ thực vật đi vào hoạt động, việc áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP được kiểm soát dễ dàng, nghiêm ngặt hơn. Người nông dân tiết kiệm được chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, giảm số lần phun thuốc, năng suất, chất lượng được đảm bảo, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó tạo tiền đề cho việc sản xuất bền vững.
“Việc này giúp người dân giảm được 30 - 50% số lần phun thuốc, từ đó giảm được chi phí sản xuất đầu vào, năng suất chè vẫn ổn định, thu nhập của người làm chè nâng lên đáng kể”, Giám đốc HTX Nguyễn Trung Thành cho biết.
Không những thế, việc kiểm soát vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Mặt khác, việc ghi chép nhật ký sản xuất được thực hiện thường xuyên đảm bảo cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi.
Phá bỏ vòng luẩn quẩn
Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán trồng chè, HTX cũng thường xuyên phối hợp với các công ty, xí nghiệp sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và khu vực lân cận tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm.
Thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, người dân có thêm nhiều kinh nghiệm trong phát triển cây chè. Nếu như trước đây, bằng phương pháp trồng và chăm sóc theo kiểu truyền thống, sản lượng chè chỉ đạt 10 - 11 tấn/ha thì nay tăng lên 17 - 20 tấn/ha. Sản lượng sản xuất chè khô (thương phẩm) đạt khoảng 400 tấn/năm.
HTX đã giúp nâng cao giá trị cây chè của địa phương (Ảnh:TL) |
Hằng năm, HTX đăng ký nhập vào các công ty, xí nghiệp chè khu vực phía Bắc khoảng hơn 1.000 tấn nguyên liệu chè chất lượng tốt, qua đó tạo việc làm cho phần lớn lao động địa phương với thu nhập bình quân đạt 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn giúp thu nhập của các hộ trồng chè tăng với mức trung bình 250 - 300 triệu đồng/năm.
Thực tế, những năm trước khi chưa có HTX, người trồng chè chỉ tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh. Thấy không hiệu quả, nhiều hộ đã phá chè để trồng cây khác, rồi khi cây trồng mới không hiệu quả lại phá bỏ nên vòng luẩn quẩn xảy ra, kinh tế và thu nhập của người dân không ổn định. Cây chè cũng không có chỗ đứng trên thị trường.
Tuy nhiên, với sự hoạt động bài bản, HTX Minh Tiến đã khẳng định được giá trị của cây chè trên vùng đất Đoan Hùng. Người dân cũng vững niềm tin vào cây chè vì đã là một thành phần quan trọng trong chuỗi giá trị bền vững.
Như Yến