Ngoài trồng rau an toàn, HTX Vân Hồ còn đang tập trung phát triển cây khoai sọ. Đây vốn là đặc sản của địa phương nhưng trước đây chỉ được người dân tự trồng nhỏ lẻ nên chưa xây dựng được thương hiệu.
Ngọt thơm khoai sọ Mán
Theo các thành viên HTX, gọi là khoai sọ Mán bởi khoai thường được trồng ở bản của người Dao của xã Tân Lập, Phiêng Luông, Hua Păng huyện Mộc Châu và bản Suối Lìn, xã Vân Hồ (nay thuộc huyện Vân Hồ). Người Dao còn có tên gọi khác là người Mán cho nên khoai có tên là khoai sọ Mán, như cách người ta hay gọi đào mèo, táo mèo, dưa mèo để gọi các loại sản vật đặc biệt của người HMong.
Giống khoai này được phát triển ở cả Hòa Bình, Phú Thọ nhưng do điều kiện tự nhiên nên khoai sọ trồng ở Mộc Châu vẫn được đánh giá cao hơn về chất lượng.
Với mong muốn bảo tồn, phát triển giống khoai đặc sản của địa phương, đồng thời giúp người dân nâng cao thu nhập, HTX Vân Hồ đã kết hợp cùng các cấp ngành phát triển trồng khoai sọ theo hướng hàng hóa, đồng thời áp dụng quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng.
HTX đang tập trung tận dụng diện tích đất đồi dốc để sản xuất. Trước đây, khi trồng xong, người dân thường để mặc cho khoai phát triển đến khi thu hoạch nên năng suất không cao. Hiện nay, được các ngành chức năng và HTX hướng dẫn, mọi người đã chú trọng bón phân hữu cơ sau khi đào hố trồng và chỉ bón thúc phân 1- 2 lần sau khi trồng 3 - 6 tháng kết hợp với làm cỏ thủ công nên bảo đảm cho cây khoai sinh trưởng và phát triển.
“Khoai sọ dễ trồng nhưng cần lưu ý giữ ẩm cho cây. Người trồng phải thường xuyên vun xới, làm sạch cỏ dại. Việc làm cỏ bằng phương pháp thủ công tuy mất nhiều thời gian nhưng bảo đảm được môi trường cũng như chất lượng khoai”, bà Đinh Thị Xoa, Giám đốc HTX cho biết.
Khoai sọ được nâng tầm nhờ HTX chú trọng sản xuất theo chuẩn VietGAP (Ảnh:TL) |
Cây khoai sọ được bà con trồng từ lâu đời, qua quá trình canh tác, đất bị cạn kiệt nguồn dinh dưỡng nên củ khoai cũng bắt đầu nhỏ đi, sâu bệnh nhiều. Khi bắt tay vào thực hiện sản xuất khoai sọ theo chuẩn VietGAP, HTX đã đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nên chất lượng của củ khoai sọ tốt hơn. Khoai không bị thối miệng, cây sinh trưởng tốt hơn, tỷ lệ nhiễm bệnh giảm đi rõ rệt, năng suất tăng gấp 2, 3 lần so với phương pháp cũ, trong khi vẫn bảo đảm cả về hình thức lẫn chất lượng.
Hiện, trọng lượng củ trung bình là khoảng 400g - 1kg/củ, năng suất đạt trung bình 11 tấn/ha, thịt củ khi nấu chín thường có đặc trưng bở dẻo, thơm, bùi ngậy, ngọt và đậm vị, khi ăn không bị sượng.
Không chỉ áp dụng các kỹ thuật trong chăm sóc, HTX còn chú trọng ngay cả các bước thu hoạch và bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm.
Nếu như nhiều nơi khác thu hoạch khoai sọ non hoặc quá già, thì HTX vẫn thực hiện đúng quy trình là để đến khi lá của cây vàng và lụi hết mới thu hoạch và thu trong ngày nắng ráo nhằm bảo quản tự nhiên được lâu hơn.
Trong đó, HTX áp dụng phương thức bảo quản kín trong hầm đất. Phương pháp này giúp hạn chế tối đa quá trình hô hấp của củ, bởi nơi đây có nhiệt độ ổn định từ 2 - 10°C nên củ thương phẩm sẽ bảo quản được trong thời gian rất dài. “Thời gian bảo quản tối đa là tính đến 100 ngày là được khoảng 70%, giúp bà con và doanh nghiệp có phương án cũng như thời gian bao tiêu cho sản phẩm”, bà Đinh Thị Xoa cho biết.
Cây xóa đói, giảm nghèo
Hiện nay, việc trồng khoai sọ Mán tại HTX rau an toàn Vân Hồ đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Sản phẩm xuất ra thị trường được đóng túi lưới, dán tem, nhãn để nhận diện và truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, giá bán sản phẩm cũng được nâng lên đáng kể với giá bán dao động khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Khoai sọ giúp mang lại thu nhập ổn định cho người dân (Ảnh:TL) |
Điều đặc biệt là khi được HTX chú trọng sản xuất, khoai sọ đã nhanh chóng bắt kịp với xu thế của thị trường về chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế và danh tiếng cho sản phẩm, đồng thời cũng là cơ hội để người dân mở rộng diện tích, qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ giống khoai sọ của địa phương.
Đến nay, cây khoai sọ được xem là cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho người trồng. Tuy thời gian trồng khoai kéo dài (từ tháng 3 đến tháng 4 và kéo dài đến tháng 10 hoặc tháng 11) nhưng cho thu nhập ổn định. Hiện, mỗi hộ trong HTX trồng 3 - 4 sào, hộ trồng nhiều là 2ha. Nhờ HTX bao tiêu đầu ra ổn định mà nhiều gia đình trong xã đã có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, vài năm trở lại đây, bên cạnh rau màu và cây ăn quả thì cây khoai sọ cũng là cây thế mạnh giúp bà con xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Nhờ trồng khoai sọ mà đời sống của bà con đã ổn định hơn trước, có của ăn của để. Chính vì vậy, các cấp ngành đang tạo điều kiện cho HTX Vân Hồ tiếp tục mở rộng sản xuất nhằm xây dựng mô hình cánh đồng lớn cho giá trị kinh tế cao.
Huyền Trang