Tuy nhiên, các hộ dân sau gần 20 năm trồng cam bản địa mà không áp dụng đổi mới trong sản xuất đã khiến đất đai dần bạc màu, các gốc cam già cỗi, dẫn tới sản lượng và chất lượng giảm sút theo từng năm.
Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất cam
Anh Trần Văn Hậu - Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên cho biết, việc canh tác cây cam của bà con liên tục trong vòng 15 - 20 năm làm cho đất ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, cân bằng hệ sinh thái và hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy. Hơn nữa, tồn dư các chất độc hại ngày càng cao, mầm bệnh tích lũy trong đất và môi trường ngày càng nhiều dẫn đến sự phát sinh một số dịch hại khó dự báo trước.
Chính vì vậy, việc tìm giống cam mới, phương pháp sản xuất mới để cải thiện năng suất, môi trường đất canh tác đã bị thoái hóa là điều HTX và nhiều hộ dân trăn trở.
Phương thức canh tác mới của HTX và bà con nông dân Vạn Yên góp phần to lớn trong bảo vệ môi trường (ảnh TL) |
Đang loay hoay tìm cách khắc phục khó khăn thì năm 2018, Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh lựa chọn HTX Nông trang Vạn Yên làm nơi cung ứng vật tư, triển khai dự án: “Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất cam, theo hướng an toàn sinh học”.
Các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên được chiết xuất và nuôi cấy bằng công nghệ tiên tiến nhất thế giới với hàm lượng vi sinh vật có trong 1 gram sản phẩm lên đến 400 triệu (108 cfu/g). Chế phẩm có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của hệ vi sinh vật có sẵn trong đất giúp cho đất tơi xốp, cố định đạm và giảm thất thoát các chất dinh dưỡng từ đó bộ rễ cây dễ dàng phát triển khỏe mạnh để hấp thụ tốt hơn các chất dinh dưỡng và sức kháng bệnh của cây đã cho tín hiệu tốt. Đặc biệt, chế phẩm này thân thiện với môi trường, không gây hại sức khỏe con người.
“Việc ứng dụng chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên được thử nghiệm thành công trên diện tích cam tại xã Vạn Yên là bước đệm quan trọng để phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thương hiệu sản phẩm cam Vạn Yên.”, anh Hậu nói.
Đưa giống mới vào trồng
Song song với việc áp dụng phương thức canh tác mới, HTX khuyến khích bà con đưa các giống cam mới cho chất lượng và năng suất cao vào trồng, dần thay thế giống cam cũ cho hiệu quả thấp. Cụ thể, các thành viên HTX đã mạnh dạn đưa giống cam Cao Phong vào trồng theo phương pháp ứng dụng chế phẩm sinh học.
Là một trong những hộ trồng cam nhiều nhất ở Vạn Yên, anh Hoàng Thế Hùng (thôn Cái Bầu) thành viên HTX Nông Trang Vạn Yên hào hứng cho biết: “Chúng tôi từ lâu đã nghe về chất lượng của giống cam Cao Phong, nhưng còn e dè về vấn đề thổ nhưỡng, kỹ thuật, nhưng sau gần 3 năm trồng, hiện nay cam đang cho sản lượng và chất lượng rất tốt”.
Cam Vạn Yên được bán với giá trung bình trên 30.000đ/kg (ảnh TL) |
Năm 2015, huyện Vân Đồn đã ra nghị quyết quy hoạch và xây dựng dự án vùng trồng cam, đồng thời khuyến khích các hộ tăng diện tích trồng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung. Theo quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2030, tổng diện tích cam trên địa bàn toàn huyện đạt 1.034ha. Trong đó, cam trồng tập trung xấp xỉ 850 ha ở 4 xã là Vạn Yên, Bản Sen, Đoàn Kết và Đài Xuyên, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha, sản lượng 12.000 tấn quả/năm, 45% sản lượng cam được quản lý theo mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất đến khâu tiêu thụ.
Sau 05 năm thực hiện nghị quyết, đến nay, tổng diện tích trồng cam trên toàn huyện ước đạt 350 ha, tăng 140ha so với năm 2016. Tổng số hộ dân đang tham gia trồng cam trên địa bàn huyện đạt khoảng 430 hộ. Hiện nay, Vân Đồn đã hỗ trợ người dân phát triển cây cam trở thành cây trồng hàng hóa.
Sản phẩm cam Vân Đồn được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao, đạt giá trị trung bình trên 30.000 đồng/kg với cam Vạn Yên, 70.000-80.000 đồng/kg với cam Bản Sen. Qua đó, từng bước tạo dựng thương hiệu cam Vân Đồn thành nông sản an toàn, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thu nhập cho các hộ trồng cam khá cao, trung bình đạt 150-200 triệu đồng/ha/năm.
Thanh Vân