HTX Gia Phú được thành lập từ tháng 9/2016, hiện đang là điểm tựa của 185 hộ thành viên, sản xuất trên tổng diện tích trên 50 ha. HTX ra đời với mục tiêu liên kết, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo hướng công nghệ cao, hình thành sản xuất quy mô lớn, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.
Hiệu quả vượt trội
Gia Phú vốn là xã thuần nông, người dân địa phương quanh năm gắn bó với cây lúa, cây ngô, nhưng năng suất thấp khiến đời sống vô cùng khó khăn. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi người dân từ bỏ cây ngô, cây lúa (kém hiệu quả) để chuyển sang trồng các loại rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ban đầu, các hộ tận dụng diện tích đất nông nghiệp của gia đình để trồng các loại rau truyền thống tại địa phương như mồng tơi, rau muống… Khi kinh nghiệm, kỹ thuật được nâng lên, các giống rau mới như su hào, bắp cải, su su… cũng được đưa về.
Các giống rau mới đang dần được đưa về HTX |
Anh Nguyễn Duy Tỉnh - thành viên HTX, chia sẻ: “Các mô hình trồng RAT bắt đầu phát triển mạnh tại Gia Phú từ năm 2007. Quy mô còn nhỏ nhưng hiệu quả đem lại cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, trồng ngô truyền thống”.
Nhìn thấy tiềm năng của mô hình trồng RAT, anh Tỉnh quyết định đầu tư mua thêm các mảnh đất nhỏ, sau đó tiến hành đổi chéo với các hộ (cùng chí hướng) tại địa phương để gộp thành thửa đất lớn. Kết quả, từ chưa đầy 500 m2, anh Tỉnh nâng diện tích canh tác lên gần 1 ha.
“Sản xuất trên quy mô lớn, được sự hỗ trợ về KH-KT, thị trường tiêu thụ, hiệu quả của mô hình ngày càng được nâng cao. Hiện tại, bình quân mỗi năm, tôi sản xuất được trên 30 tấn rau các loại, đưa đi khắp các chợ trong tỉnh, tỉnh Lai Châu và xuất qua Trung Quốc”, anh Tỉnh phấn khởi cho hay.
Cùng chung niềm vui, bà Nguyễn Thị Tẩm (thôn Giang Ngay), cho hay: “Với 1 ha trồng RAT, mỗi năm gia đình tôi thu về trên dưới 200 triệu đồng. Mọi thứ của gia đình tôi hiện tại, từ ngôi nhà, cho tới xe cộ, tivi, tủ lạnh… đều từ cây rau mà ra”.
Hiệu quả vượt trội từ các mô hình trồng RAT đã thúc đẩy chính quyền huyện xây dựng vùng rau xã Gia Phú theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh KH-KT hướng tới sự phát triển bền vững.
Siết chặt khâu sản xuất
Để phát triển vùng RAT, quy trình sản xuất 10 bước quy định theo tiêu chuẩn VietGAP được HTX thực hiện ngay từ khâu xử lý đất, chọn nguồn nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đến các khâu thu hoạch, chế biến, vận chuyển…
Điển hình, nguồn nước tưới cho rau của HTX được bơm từ giếng khoan lên, sau đó được đưa vào bể chứa lắng để kiểm tra xử lý rồi mới tưới cho cây trồng. Đối với việc sử dụng các loại thuốc BVTV, dùng loại nào, số lượng, liều lượng, ngày tháng sử dụng… đều được ghi chép đầy đủ trong nhật ký đồng ruộng.
Ông Nguyễn Đình Văn - Giám đốc HTX, cho rằng: “Việc siết chặt các khâu sản xuất giúp HTX vừa bảo đảm vệ sinh thực phẩm, vừa nâng cao an toàn lao động cho thành viên. Đơn cử, việc loại bỏ các loại hóa chất độc hại giúp HTX giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao đời sống, sức khỏe cho người sản xuất”.
Trong quá trình canh tác, thành viên, người lao động HTX được hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động (khẩu trang, găng tay, ủng, quần áo…), được tổ chức khám sức khỏe định kỳ và tạo môi trường làm việc tốt nhất.
Khi quá trình sản xuất dần đi vào ổn định, HTX đang đẩy mạnh liên kết, tìm kiếm đối tác tiêu thụ, đặc biệt là các bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh, nhằm mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm cho thành viên.
“Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, liên kết để tăng tỷ lệ bao tiêu sản phẩm cho người dân. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu, bên cạnh sự nỗ lực từ nội tại, HTX cũng rất cần sự hỗ trợ từ địa phương”, Giám đốc Nguyễn Đình Văn nói.
Hoàng Lê