Giám đốc HTX Sản xuấ tvà dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông - ông Hoàng Văn Thịnh, cho biết những năm trước đây, người dân trong thôn đã trồng nhiều loại rau, mỗi nhà trồng dăm ba luống chỉ đủ ăn, chưa biết mang ra chợ bán.
Trong đó, có loại rau như cải bắp, sau khi hái bắp xong, đốn lá đi lại mọc tiếp các ngọn lên người dân thường gọi là "rau lười", vì không cần phải chăm sóc mà ngọn rau cứ mọc ra mới, ăn rất ngon mà bây giờ mọi người thường gọi là cải ngồng... bán được giá hơn cả cây bắp cải.
Xây dựng mô hình RAT
Thấy nhu cầu đó, một số hộ dân trong làng đã trồng rau bắp cải, khi ra bắp thì lấy bắp, rồi để gốc lấy ngồng đem bán. Do không chăm sóc, chất lượng rau không đồng đều, cho nên giá cả rất bấp bênh.
Từ thực tế đó, anh Hoàng Văn Thịnh đã bàn bạc với người dân trong thôn liên kết lại với nhau, thành lập HTX, mời các cơ quan, các chuyên gia hỗ trợ khoa học - kỹ thuật và vốn mở rộng sản xuất. Năm 2007, HTX rau Nà Chuông ra đời
Ngay từ khi thành lập, HTX đã được Trung tâm Ứng dụng khoa học (thuộc Sở KH&CN tỉnh) và Tổ chức VECO (một tổ chức phi chính phủ) hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho thành viên trồng RAT theo hướng VietGAP.
Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng rau chăm sóc theo quy trình, nên năng suất, chất lượng rau đạt cao, một sào rau cải làn thu lãi gần 5,9 triệu đồng/sào, cao gần gấp 3 lần so với trước, một sào su hào thu lãi 11,5 triệu đồng/sào, cây cà chua lãi hơn 5,7 triệu đồng/sào... gấp 5 lần so với trồng lúa.
Bên cạnh đó, những năm trước, Nhà nước đã hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng một số hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Từ đó đến nay, HTX đã đưa vào trồng 14 - 15 loại rau các loại, bao gồm: Cải làn, cải hoa vàng, cải đắng, su hào, bắp cải... trên diện tích gieo trồng hơn 8 ha. Tổng doanh thu từ trồng rau, củ, quả trung bình 7 - 8 triệu đồng/sào/vụ. Thu nhập ổn định, đời sống của các hộ thành viên được cải thiện rõ rệt.
Đặc biệt, sản phẩm rau sạch Nà Chuông đã được Sở KH&CN tỉnh cấp giấy chứng nhận bảo đảm VSATTP và được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Thành viên HTX thu hoạch cà chua |
Vùng rau sạch Nà Chuông
Sau hơn 10 năm thành lập, đến nay, HTX có 47 hộ dân và 88 thành viên tham gia sản xuất.
Tuy nhiên, khác với sản xuất rau thông thường, sản xuất RAT đòi hỏi yêu cầu khắt khe, phải theo đúng quy trình kỹ thuật, từ các tiêu chuẩn về đất, nước tưới, quy trình gieo trồng...
Giám đốc Hoàng Văn Thịnh cho biết từ khi sản xuất RAT, thành viên thay đổi hoàn toàn tư duy sản xuất; kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và kiến thức khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép, kiểm soát thời gian phun thuốc trước khi thu hoạch, vừa hạn chế được sâu bệnh phát sinh gây hại, vừa nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình mà HTX Nà Chuông trở thành đơn vị có tiếng trong tỉnh về sản xuất RAT. Hiện sản phẩm rau, củ của HTX luôn được thị trường ưa chuộng. Nhiều nhà hàng ở Tp.Lạng Sơn và một số nhà hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang... đã ký hợp đồng tiêu thụ. Trong những năm tới, HTX dự kiến mở rộng diện tích trồng RAT lên 13 ha.
Bên cạnh những thuận lợi, HTX cũng gặp một số khó khăn nhất định. Do địa hình cao nên hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất chưa thực sự phát triển đồng bộ, nhiều lúc, người trồng rau phải phụ thuộc vào… mưa trời, nên ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, vào mùa Đông, nhiệt độ xuống thấp, thậm chí xuất hiện băng giá, nên diện tích rau bị chết nhiều, HTX không đủ rau để cung cấp cho thị trường.
Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn đang khuyến khích HTX mở rộng hoặc chuyển đổi sang trồng các loại rau ngắn ngày có khả năng chịu rét tốt, đồng thời khuyến khích HTX chuyển đổi mô hình sang trồng rau trong nhà kính, hướng dẫn người dân sử dụng nilon hiệu quả, đúng kỹ thuật trong trồng rau khi nhiệt độ xuống thấp.
HTX Nà Chuông là thành viên của Liên hiệp HTX Lạng Sơn. Cùng với HTX Sản xuất và thương mại Hoàng Vũ, HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thịnh Phương và HTX Nông nghiệp Rọ Phải, HTX Nà Chuông đang hy vọng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ khép kín nhằm gia tăng lợi nhuận từ sản phẩm.
Hồng Nhung