Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 79.495 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, có 2.384 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là tỷ phú. Đến nay, tỉnh Bến Tre có đến 10 câu lạc bộ nông dân tỷ phú, với 424 thành viên tham gia, tương đương với 424 "tỷ phú". Trong 10 câu lạc bộ nông dân tỷ phú này, có 1 câu lạc bộ cấp tỉnh và 9 câu lạc bộ cấp huyện (thành phố).
Giải quyết công ăn việc làm địa phương
Ông Nguyễn Văn Bàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre cho biết, mô hình câu lạc bộ nông dân tỷ phú được Tỉnh hội thành lập vào tháng 7/2018 với 20 thành viên, đến nay có hơn 400 thành viên gồm câu lạc bộ cấp tỉnh và 9 câu lạc bộ cấp huyện. Đó là những nông dân có thu nhập từ 1 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm trong tổng số 153.455 hội viên nông dân trong toàn tỉnh.
Các thành viên Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú đã tích cực tham gia vào HTX nuôi tôm công nghệ cao của huyện Thạnh Phú. |
Những nông dân tiêu biểu tham gia câu lạc bộ nông dân tỷ phú có thể kể đến là anh Đặng Văn Bảy ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú với mô hình nuôi tôm thẻ (đạt kỷ lục 14,6 con/kg); ông Huỳnh Văn Quận, xã Giao Long, huyện Châu Thành trồng bưởi đạt chuẩn VietGAP; anh Nguyễn Hữu Thanh, xã Long Hòa, huyện Bình Đại trồng nhãn; anh Lưu Văn Cõi, xã An Hiệp, huyện Ba Tri nuôi bò giống chất lượng cao; chị Nguyễn Thị Nga, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách trồng hoa kiểng trong nhà lưới.
Đơn cử, Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú được thành lập vào ngày 9/1/2021 có 26 thành viên. Câu lạc bộ do ông Trần Văn Tơ làm Chủ nhiệm, phần lớn các thành viên câu lạc bộ làm nghề nuôi tôm công nghệ cao có vai trò tham gia phát triển kinh tế hợp tác….
Phương châm hoạt động của Câu lạc bộ là vận động, tập hợp hội viên, nông dân nuôi tôm lại để liên kết, chia sẽ cùng nhau phát triển và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Thế mạnh trên địa bàn huyện là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao. Tính đến nay, Câu lạc bộ nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú đã có gần 50 thành viên tham gia.
Người tiên phong đi đầu trong việc phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao là ông Đặng Văn Bảy, ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong.
Ông Bảy cho biết, với số vốn ban đầu chưa tới 200 triệu đồng và 15.000m2 đất, ông đã đầu tư vào 2 ao nuôi tôm. Đến nay, ông đã mở rộng diện tích nuôi tôm lên đến 50ha, trong đó có 25ha chuyên dụng cho 40 ao nuôi theo mô hình nuôi tôm tuần hoàn khép kín, sản lượng tôm thương phẩm đạt bình quân từ 15 - 17 tấn/ha, trọng lượng 15 con/kg với giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng /kg. Tổng sản lượng tôm nuôi của gia đình đạt 400 tấn/năm, tổng doanh thu mỗi năm từ 80 - 100 tỷ đồng, lợi nhuận gần 30 tỷ đồng/năm.
Hiện tại, mô hình của ông Bảy đã giải quyết việc làm cho trên 80 lao động thường xuyên, mức thu nhập hàng năm từ 80 - 100 triệu đồng/lao động.
Câu lạc bộ nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú là nơi để các thành viên kết nối, chia sẻ kinh để cùng nhau phát triển. Định kỳ sinh hoạt 2 tháng một lần đã tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên trong Câu lạc bộ trao đổi, định hướng và giúp đỡ những thành viên mới tham gia có đủ điều kiện phát triển mô hình. Từ sự giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm mô hình nuôi tôm hiệu quả của ông Bảy An, ông Ba Sấm, ông Tư Sia,… đã giúp cho thành viên Câu lạc bộ tự tin và mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích.
Qua hoạt động, các thành viên Câu lạc bộ nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú đã tích cực tham gia vào HTX nuôi tôm công nghệ cao của huyện Thạnh Phú. Đến nay, Câu lạc bộ có 9 thành viên tham gia HTX.
Vận động nông dân tham gia vào HTX
Sự thành công trong ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao đã khẳng định được tính hiệu quả của Câu lạc bộ, góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của người dân, tạo việc làm, giảm nghèo ở khu vực tiểu vùng 3 của quê hương Thạnh Phú.
Mỗi thành viên trong Câu lạc bộ đã tạo sự lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. |
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn cho biết, ban đầu, câu lạc bộ nông dân tỷ phú có 20 thành viên. Họ là những nông dân tiêu biểu nhất đã và đang sản xuất, kinh doanh 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (cây: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng; con: tôm, heo, bò). Từ hoạt động hiệu quả, thiết thực trong sản xuất kinh doanh và công tác an sinh xã hội, câu lạc bộ nông dân tỷ phú có sức lan tỏa mạnh mẽ, ngày càng thu hút nhiều nông dân tỷ phú khác tham gia.
Mỗi thành viên trong câu lạc bộ đã tạo sự lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, được người dân quan tâm, hưởng ứng thực hiện ngày càng nhiều hơn về chất lượng cũng như số lượng. Nhờ học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm hay, cách làm giỏi, những mô hình nông dân sản xuất kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng xuất hiện ngày nhiều.
Thành viên các câu lạc bộ đã tích cực tiên phong làm nòng cốt và vận động nhiều người khác tham gia vào tổ hợp tác, HTX tại địa phương. Đến nay, các thành viên đã tham gia thành lập 63 tổ hợp tác và 17 HTX. Trong đó, 37 thành viên các câu lạc bộ tham gia vào ban giám đốc, hội đồng quản trị, ban kiểm soát của HTX.
Họ là những hạt nhân góp phần cho các tổ hợp tác, HTX hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, những thành viên của các câu lạc bộ còn tiên phong đi đầu trong các phong trào, hoạt động tại địa phương như xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội… Nhằm giúp những nông dân có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, thành viên các câu lạc bộ "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn kỹ thuật trồng dừa, bưởi, sầu riêng…, chăn nuôi gà, vịt, heo, bò... cùng nhau phát triển kinh tế.
Các tỷ phú nông dân này hiện đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh Bến Tre, như: hoa kiểng, sầu riêng, bò, thủy sản, dừa, nhãn... và trong tuyên truyền về phong trào xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong khu vực "tam nông".
Trong sinh hoạt câu lạc bộ nông dân tỷ phú, các thành viên được đại diện Hội Nông dân tỉnh và chính quyền địa phương thông tin về những vấn đề liên quan chính sách, thị trường... có tác động đến nông dân. Các nông dân giỏi sẽ sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật chuyên môn về trồng trọt, chăn nuôi mà mình đã áp dụng có hiệu quả cao cho các nông dân khác có nhu cầu.
Học bí quyết làm giàu
Bên cạnh thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, các thành viên câu lạc bộ nông dân tỷ phú còn tham gia công tác an sinh xã hội. Trong những lần sinh hoạt, các câu lạc bộ đã tổ chức trao quà, tiền, nhà tình thương, cây con giống, cho mượn vốn sản xuất không lãi với số tiền trên 3 tỷ đồng cho những nông dân nghèo, cận nghèo, khó khăn. Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có hơn 100 hộ nông dân nghèo thoát nghèo bền vững nhờ sự hỗ trợ có hiệu quả cao từ các câu lạc bộ nông dân tỷ phú.
Ngoài ra, các thành viên còn tham gia tốt các phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp kinh phí, đất, hoa màu, ngày công xây dựng cầu, đường, giao thông nông thôn với số tiền trên 5 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Nhựt (xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm) cho hay, việc gặp gỡ tại câu lạc bộ đã tạo điều kiện đưa sản phẩm gạo tím, nếp cẩm của ông đến các thị trường khác ngoài tỉnh. Giờ đây, sản phẩm gạo tím, nếp cẩm, rượu nếp cẩm thương hiệu "Gạo Ba Nhựt" được thị trường biết đến nhiều hơn. Đây cũng là thương hiệu gạo duy nhất do nông dân làm chủ tại tỉnh Bến Tre.
Thông qua những lần gặp gỡ, sinh hoạt tại câu lạc bộ, ông Nhựt học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các thành viên khác, những góp ý của các thành viên trong câu lạc bộ giúp ông hoàn thiện hơn sản phẩm của mình. Nhờ sự hỗ trợ, quảng bá của các thành viên trong Câu lạc bộ, việc kinh doanh của gia đình ông tốt hơn. Giờ đây, sản phẩm của ông Nhựt được giới thiệu trên các sàn giao dịch điện tử, đầu ra ngày càng phát triển. Sản phẩm "Gạo Ba Nhựt" đạt chứng chỉ OCOP ba sao của địa phương.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến, quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, đánh giá các nông dân tỷ phú ở Bến Tre chính là những người tiên phong trong áp dụng các mô hình sản xuất nông sản áp dụng công nghệ cao, áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ... để những năm qua hàng nông sản của Bến Tre xuất khẩu ngày càng nhiều đến các thị trường khó tính trên thế giới như EU, Mỹ, Nhật Bản… Đồng thời, giúp nhiều nông dân ở địa phương thoát nghèo, vươn lên trở thành những tỷ phú.
Với những nỗ lực trên, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bến Tre giảm còn 3,5% (giảm 0,76% so với năm 2021), tuy nhiên vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong thực hiện những giải pháp, tỉnh Bến Tre kỳ vọng đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh sẽ giảm xuống còn dưới 2,5%, đạt chỉ tiêu của tỉnh đề ra. Để hoàn thành mục tiêu này cũng như cả giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nghèo phát triển sinh kế; được tập huấn về khuyến công - nông - ngư.
Linh Lan