Theo thống kê, toàn xã Trung Chính hiện có gần 200 hộ phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có hàng chục hộ phát triển mô hình chăn nuôi hỗn hợp, theo hướng trang trại, mang lại giá trị cao. Đặc biệt, vai trò của các HTX, Tổ hợp tác chăn nuôi trên địa bàn xã cũng được khẳng định.
Chăn nuôi khoa học
Sở hữu trang trại chăn nuôi quy mô hơn 3.000 con gà đồi và hơn 500 con lợn, ông Phạm Văn Tấn cho biết nhờ tuân thủ quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu về 350 – 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư.
Theo ông Tấn, để có được những thành công trên, trong suốt 3 năm qua, ông đầu tư mạnh để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ chăn nuôi, từ chuồng trại, khuôn viên, vùng trồng nguyên liệu (các loại rau sạch) chế biến thức ăn xanh…
Chăn nuôi VietGAP cho giá trị cao hơn (Ảnh TL). |
“Việc chăn nuôi quy mô lớn đòi hỏi kỹ thuật cao, đặc biệt là việc phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, tôi tham gia các lớp tập huấn để nắm chắc quy trình chăn nuôi, từ lựa chọn giống đến chăm sóc, tiêm phòng. Khu chăn nuôi cũng được vệ sinh, khử trùng thường xuyên để hạn chế ô nhiễm, ngăn vi khuẩn gây bệnh”, ông Tấn chia sẻ.
Không chỉ hoạt động riêng lẻ, để nâng cao năng lực sản xuất, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Trung Chính còn liên kết thành lập HTX, điển hình nhất là HTX chăn nuôi hỗn hợp Tuần La, hiện đang thu hút gần 20 hộ tham gia.
Ông Ngô Văn Kiên, Giám đốc HTX Tuần La, cho hay HTX đang hoạt động theo phương thức chăn nuôi hỗn hợp, gồm chăn nuôi lợn thương phẩm, gà thương phẩm, gà đẻ trứng, nuôi trồng thủy sản và vận tải hàng hóa.
Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường gần 300 con lợn, hơn 7.000 con gà, hơn 1 triệu quả trứng và gần 100 tấn cá các loại, doanh thu đạt 4 – 5 tỷ đồng/năm.
Thực hiện chăn nuôi theo mô hình khép kín, hệ thống chuồng trại được HTX bảo đảm mát về mùa hè, ấm về mùa đông và được phun thuốc sát trùng mỗi tuần để phòng ngừa các dịch bệnh.
Đặc biệt, HTX chú trọng đến yếu tố môi trường, từ nguồn phân dồi dào, các thành viên học hỏi phương pháp ủ phân để làm phân hữu cơ an toàn phục vụ trồng trọt, vừa giúp tăng thu nhập, tạo cảnh quan sạch đẹp cho khu vực sản xuất.
Riêng với nguồn chất thải, HTX đưa qua hệ thống ống dẫn về hầm biogas. Việc vệ sinh chuồng trại đều được thực hiện đều đặn 2 lần mỗi ngày, bảo đảm bên trong chuồng nuôi không có mùi hôi thối, đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y.
Hình thành chuỗi giá trị
Hoạt động hiệu quả của các gia trại, trang trại, đặc biệt là các HTX, Tổ hợp tác chăn nuôi là cơ sở để xã Trung Chính đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi trong thời gian tới.
Hình thành chuỗi giá trị đảm bảo phát triển bền vững (Ảnh TL). |
Giám đốc HTX Ngô Văn Kiên cho hay, trong hơn 1 năm qua, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là lợn thịt và lợn giống, rất thuận lợi, mang lại lợi ích kinh tế cao, tuy nhiên, để duy trì hiệu quả lâu dài thì cần hình thành chuỗi giá trị “từ chuồng nuôi đến bàn ăn”.
Để làm được điều này, cần sự phối hợp, nỗ lực của cả người chăn nuôi, HTX và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý. Người chăn nuôi và HTX phụ trách tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao. Các cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ kết nối thị trường, thu hút các doanh nghiệp hộ trợ bao tiêu”, ông Kiên phân tích.
Đại diện UBND xã Trung Chính cũng khẳng định trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ chăn nuôi, HTX, Tổ hợp tác nghiên cứu, hoàn thiện quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, nâng tầm thương hiệu sản phẩm.
Hưng Nguyên