Gia Minh là một xã đồng chiêm trũng, đất đai thuộc tính chua phèn, nên nhiều diện tích canh tác không thích hợp cho việc cấy vụ mùa nhưng lại có lợi thế để nuôi thủy sản nếu được cải tạo một cách phù hợp, bài bản. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu thực tế, chính quyền địa phương đã vận động, khuyến khích và tạo điều kiện để người dân chủ động chuyển đổi.
HTX dẫn dắt sản xuất
Được thành lập từ năm 2019, HTX nuôi trồng thủy sản xã Gia Minh đang trở thành một trong những lá cờ đầu dẫn dắt hoạt động sản xuất thủy sản theo hướng an toàn sinh thái tại địa phương.
HTX đang có vai trò quan trọng trong phát triển nuôi trồng thủy sản VietGAP ở Gia Minh (Ảnh TL). |
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, HTX đã tiến hành chuyển đổi diện tích 20ha vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả, hàng năm chỉ cấy được 1 vụ sang nuôi một số loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cá trôi, chép, trắm...
Để hoạt động hiệu quả, Hội đồng quản trị phân công cụ thể cho thành viên theo từng vị trí như bộ phận chuyên về vốn, bộ phận chuyên về hoạt động mua bán sản phẩm…
Trước khi vào vụ sản xuất, HTX tìm đối tác ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch, đồng thời đứng ra ký hợp đồng mua thức ăn cho cá, cá giống và thống nhất phương án sản xuất theo hình thức gối vụ.
Đặc biệt, để phát triển bền vững, bên cạnh đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, HTX chú trọng phát triển sản xuất sạch, đảm bảo quy trình sản xuất VietGAP, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là chất lượng nguồn nước.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật trước và sau mỗi vụ, thường xuyên cập nhật các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Quá trình sử dụng thức ăn chăn nuôi, vận hành máy móc của từng hộ thành viên, người lao động được HTX kiểm soát chặt chẽ, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học để nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, ngay từ vị trí đặt lồng, HTX đã tính toán, bảo đảm toàn bộ lồng cá nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương, không bị ảnh hưởng bởi lũ, phương tiện giao thông thủy, mực nước không bị thay đổi đột ngột, không có dòng xoáy và không bị ảnh hưởng của các nguồn gây ô nhiễm.
Nhiều tiềm năng phát triển
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch UBND xã Gia Minh cho biết, đến nay, toàn xã có gần 300 ha nuôi thủy sản, trong đó diện tích ao nổi là 30 ha. Số hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ nuôi thủy sản đã không còn là chuyện hiếm.
Mô hình nuôi thủy sản cần thêm nhiều nguồn lực đầu tư, mở rộng theo hướng hàng hóa (Ảnh TL). |
Riêng HTX Thủy sản Gia Minh hiện đã có 27 thành viên, với diện tích nuôi thủy sản được mở rộng lên 22 ha. Đặc biệt, hiệu quả hoạt động từ các mô hình của HTX còn thu hút được nhiều thành viên từ các địa phương lân cận như xã Gia Lạc hay xã Thượng Hòa (huyện Nho Quan)…
“Kể từ năm 2017 đến nay, việc chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản ở xã Gia Minh đã cho thấy nhiều ưu điểm với ưu điểm không phá vỡ hiện trạng đồng ruộng, đồng thời đảm bảo thuận lợi để chuyển sang hình thức sản xuất khác, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ giảm, giá cá vì thế cũng giảm theo, việc nuôi thủy sản trên địa bàn xã Gia Minh đối mặt với không ít thách thức mới.
Nhằm khắc phục khó khăn, chính quyền địa phương, cùng với HTX Gia Minh đã vận động bà con nông dân sản xuất theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường để đủ điều kiện ký kết hợp đồng tiêu thụ với các bếp ăn tập thể trong huyện, hướng tới duy trì đầu ra ổn định với số lượng lớn hơn, giảm sự phụ thuộc vào các thương lái.
Rõ ràng, dù còn đối mặt với nhiều thách thức, song mô hình nuôi trồng thủy sản ở Gia Minh đang cho thấy những ưu điểm vượt trội cả về kinh tế và môi trường. Nếu tiếp tục được quan tâm hỗ trợ, đầu tư hoàn thiện về khoa học – kỹ thuật, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, mô hình sẽ ngày càng gia tăng giá trị, mang lại lợi ích bền vững cho người dân.
Hưng Nguyên