Tại huyện Đông Giang, chè dây Ra Zéh mọc phân tán tự nhiên dưới tán rừng. Loại cây này sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng các thôn trên địa bàn xã Tư và một số thôn của các xã vùng giáp ranh, đặc biệt là ở các vườn đồi, rừng tái sinh sau nương rẫy.
Từ liên kết sản xuất chè dây...
Từ công dụng hữu ích của chè dây Ra Zéh mà ở xã Tư đã hình thành HTX Nông nghiệp xã Tư nhằm tạo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chè dây Ra Zéh dưới tán rừng.
![]() |
Mô hình chuỗi giá trị chè dây Ra Zéh dưới tán rừng của HTX Nông nghiệp xã Tư giúp mang lại thu nhập đáng kể cho đồng bào Cơ Tu. |
Ông Lê Duy Trường, Giám đốc HTX, cho biết: "Từ việc liên kết, HTX đã giúp tạo thu nhập ổn định cho hơn 20 hộ, trong đó hơn 90% hộ đồng bào Cơ Tu. Chúng tôi cam kết bao tiêu vùng nguyên liệu, chế biến, kinh doanh cung cấp sản phẩm ra thị trường".
Những năm trước, huyện Đông Giang chủ trương dự án xây dựng bảo tồn và phát triển cây chè dây Ra Zéh và xã Tư được chọn thí điểm bởi vùng này có chè dây mọc dày đặc ở rừng.
Cũng từ dự án này mà HTX Nông nghiệp xã Tư đã chọn chè dây Ra Zéh làm sản phẩm chủ lực, tích cực hỗ trợ thành viên chăm sóc, thu hái chè. HTX làm đầu mối bao tiêu chè nguyên liệu cho thành viên và bà con nhân dân, chế biến sản phẩm đưa ra thị trường.
Theo ông Trường, diện tích trồng chè ở Đông Giang hiện nay khoảng 35ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường gần 30 tấn chè dây, đem lại lợi nhuận kinh tế hàng trăm triệu đồng.
Đặc biệt, từ mô hình liên kết sản xuất chè dây đã giúp cho nhiều hộ dân có được thu nhập khá, trung bình khoảng 50 - 70 triệu đồng/năm. Trong đó, tiêu biểu như nhóm hộ bà Đậu Thị Tuyên, ông Nguyễn Minh Quang (xã Ba); nhóm hộ ông Lâm Văn Thông và ông Phạm Quốc Phong (xã Tư)…, nhờ đó tỷ lệ nghèo ở địa phương ngày càng giảm rõ rệt.
Có thể thấy việc khai thác tiềm năng của chè dây Ra Zéh với vai trò quan trọng của HTX là minh chứng cho việc lựa chọn phát triển kinh tế dựa vào rừng nhằm giúp cải thiện sinh kế cho người dân Đông Giang (trong đó có khoảng 73,44% dân số là đồng bào Cơ Tu).
Với địa phương miền núi cao, đất lâm nghiệp chiếm phần lớn như Đông Giang, việc lựa chọn phát triển kinh tế dựa vào rừng được xem là hướng đi hợp lý, trên tinh thần “thuận thiên” để vừa bảo vệ rừng, phát huy giá trị đa dạng sinh học vừa cải thiện sinh kế cho người dân.
...Đến chuỗi giá trị cây dược liệu
Chẳng hạn ngoài nguồn chè dây Ra Zéh dưới tán rừng, huyện Đông Giang cũng đang nhân rộng trồng các loại dưới liệu dưới tán rừng như đẳng sâm, chè dây, hà thủ ô, sa nhân… bằng cách hỗ trợ giống, kỹ thuật từ ngành nông nghiệp.
![]() |
Đông Giang đang nhân rộng trồng các loại dưới liệu dưới tán rừng nhằm cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. |
Theo đó, chính quyền huyện Đông Giang hỗ trợ trồng cây chè dây tại xã Ba, xã Tư; cây sâm bảy lá một hoa tại thị trấn Prao, các xã A Rooi và Tà Lu; cây ba kích tím tại các xã, thị trấn; cây thổ phục linh tại xã Tư. Việc liên kết chuỗi giá trị trồng cây dược liệu dưới tán rừng đang diễn ra thuận lợi, hứa hẹn mang lại nguồn thu ổn định cho người dân địa phương, vừa bảo vệ môi trường rừng.
Hơn thế nữa, việc tận dụng kinh tế rừng, phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu để cải thiện sinh kế cho người dân Đông Giang cũng nhận được sự quan tâm của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, để từ đó có những hoạt động hỗ trợ huyện này phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác nhằm phát triển chuỗi giá trị dưới tán rừng trên quy mô lớn để phát triển bền vững, hình thành chuỗi sản phẩm dược liệu có giá trị kinh tế cao và ổn định đầu ra.
Khi phát triển các mô hình kinh tế hợp tác dưới tán rừng, từ định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ các HTX ở Đông Giang kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động hiệu quả của bộ máy, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, làm chắc từng khâu. Có như vậy HTX mới tạo dựng niềm tin với người dân địa phương bằng uy tín. Các cơ quan quản lý nhà nước của huyện cũng xem đây là trách nhiệm trong việc phát triển kinh tế tập thể, từ đó tham mưu kịp thời các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các HTX.
Theo lãnh đạo huyện Đông Giang, cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng đang tiếp tục mở ra hướng sinh kế gắn với bảo vệ rừng cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích các loài cây dược liệu chủ lực là thế mạnh của địa phương.
Mặt khác, huyện sẽ tăng cường công tác mời gọi các doanh nghiệp, HTX để triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi từ trồng rừng, cấp chứng chỉ rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện các dự án quản lý bảo vệ rừng.
Ngoài ra, do địa hình đồi núi phức tạp, phần lớn diện tích đất sản xuất có độ dốc cao, chia cắt, đất đai manh mún…, giữa bối cảnh giải pháp nước tưới khó khả thi, huyện Đông Giang xác định trồng rừng gỗ lớn là chủ trương đúng đắn, đem lại lợi ích về nhiều mặt. Vì thế, địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển dần diện tích trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn.
Đem lại cơ hội phát triển cho dân miền núi
Cũng nên nhắc thêm, thời gian qua, các chương trình, chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng ở Đông Giang được thực hiện ổn định. Nhờ có nguồn thu nhập và đơn giá bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên, nên người dân yên tâm giữ rừng và ổn định cuộc sống.
![]() |
Việc phát triển kinh tế rừng đang là hướng đi đúng giúp cho người dân Đông Giang thoát nghèo bền vững. |
Như năm 2024 vừa rồi, huyện đã giao khoán cho cộng đồng và người dân quản lý, bảo vệ hơn 45.889ha rừng; trồng mới hơn 470ha rừng gỗ lớn.
Ông Nguyễn Khắc Thuận, Trưởng trạm Bảo vệ rừng số 3 (Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang), cho biết khi nhận khoán bảo vệ rừng, các cộng đồng phát huy rõ rệt tinh thần trách nhiệm. Hằng tháng, khi nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng trích khoảng 50% để trả cho tổ tuần tra, phần còn lại chia đều cho các hộ dân. Nhờ vậy, các vụ xâm hại rừng trên địa bàn được hạn chế đến mức tối đa.
Đơn cử như cộng đồng thôn Ra Nuối (xã Zơ Ngây, huyện Đông Giang) hiện đang quản lý, bảo vệ hơn 1.075ha rừng. Trong đó, nhận khoán 650ha thuộc diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng lưu vực thủy điện Sông Côn 2 và 425ha thuộc diện tích quản lý, bảo vệ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sau những nỗ lực của cộng đồng, nhiều cánh rừng tại Đông Giang đang dần phục hồi và trở thành vùng sinh kế, đem lại cơ hội phát triển cho người dân miền núi. Ngoài diện tích rừng trồng cây lâm nghiệp, dưới tán rừng già, các loại mây nguyên liệu, dược liệu có giá trị kinh tế cao cũng được trồng thêm, tạo nguồn thu nhập cho chính người dân và cộng đồng sau này.
Không những vậy, như việc phát triển diện tích trồng mây nước dưới tán rừng, đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang bước đầu hình thành tổ hợp tác hoạt động ngành nghề đan lát mây tre, tạo chuỗi giá trị sản phẩm cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.
Tựu trung, việc khai thác các mô hình dưới tán rừng ở Đông Giang, đặc biệt là những mô hình nông - lâm kết hợp, hay cây-con phát triển dưới tán rừng, được kỳ vọng sẽ mở ra “cánh cửa” sinh kế cho người dân nơi đây thoát nghèo bền vững.
Thanh Loan