Nằm cách trung tâm huyện 20km về phía Đông với địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ và trồng cây lương thực, nhiều hộ dân xã Phú Đô đã chủ động xây dựng mô hình trồng chè theo hướng VietGAP, hữu cơ nhằm tăng thêm thu nhập.
Sản xuất sạch, giá trị tăng
Bắt đầu từ năm 2010, được sự định hướng của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi ruộng kém hiệu quả sang trồng cây chè và nhận thấy nhu cầu về sản phẩm chè ngày càng lớn, nhiều hộ sản xuất trên địa bàn xã đã xác định đây là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Nhờ sản xuất sạch, chè Phú Đô đang liên tục nâng cao giá trị. (Ảnh TL) |
Đến nay, phong trào sản xuất và kinh doanh chè ở Phú Đô ngày càng được lan rộng. Hầu như gia đình nào cũng cố gắng cải tạo đất và sở hữu ít nhất 2 - 3 sào đất trồng chè hữu cơ, VietGAP. Ngoài ra, người dân cũng rất chủ động nắm bắt thị trường, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Hiện, hầu hết các vùng trồng giống chè trung du đã được chuyển sang giống mới có năng suất cao như LDP1, Tri777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Các kỹ thuật mới trong chế biến chè được ứng dụng, đơn cử như chuyển từ sao chè bằng chảo gang sang tôn quay.
Anh Nguyễn Văn Thiết, xóm Phú Nam 7, chia sẻ so với trước đây, phương thức sản xuất chè của người dân Phú Đô tiến bộ hơn hẳn, không còn tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Thay vào đó, người dân sử dụng các loại phân hữu cơ, hợp chất vi sinh thân thiện môi trường.
Các khu chăn nuôi, khu tập trung rác thải cũng được các hộ trồng chè di chuyển ra xa vùng trồng chè để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, côn trùng gây hại, qua đó ngăn chặn các tác nhân gây hại, đảm bảo chất lượng chè nguyên liệu luôn ở mức cao nhất.
“Nhờ sản xuất khoa học, chú trọng bảo vệ môi trường, năng suất cây chè hiện đã tăng gấp 3 lần so với trước, đạt trung bình 1,6 tạ chè búp khô/lứa, chè bán ra được giá cao, trung bình 160 - 170 nghìn đồng/kg chè búp khô. Sản xuất chè theo hướng an toàn sinh thái vừa đảm bảo thu nhập, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm”, anh Thiết nhấn mạnh.
Hướng tới chuỗi giá trị
Xóm Phú Nam 1 là một trong những vùng trồng chè lớn nhất ở xã Phú Đô hiện tại. 5 năm qua, Phú Nam 1 đã được đầu tư 14 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích trồng chè, xây dựng giàn phun nước tưới, hệ thống cân, máy hút chân không...
Xã sẽ đặc biệt nâng cao vai trò của các HTX, làng nghề để liên kết nông dân sản xuất lớn, bền vững. (Ảnh TL) |
Đặc biệt, xã còn thành lập HTX Nông nghiệp - Thương Mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 nhằm liên kết, nâng cao năng lực sản xuất cho các hộ trồng chè, hình thành liên kết với các doanh nghiệp, đối tác tiêu thụ, hướng tới hình thành chuỗi giá trị gia tăng, nâng tầm thương hiệu sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX, cho hay chè đang là cây kinh tế chủ lực tại địa phương. Những năm qua, HTX đảm nhận hướng dẫn các hộ gia đình trồng chè tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, từ chăm sóc đến chế biến, đảm bảo chè sạch, an toàn.
Đơn cử, trong khâu chăm sóc, loại phân hữu cơ NTT của Trường Đại học Nông lâm được HTX cung ứng cho tất cả các hộ, vừa đảm bảo hiệu quả dinh dưỡng cho cây chè, vừa hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường đất, nước, bảo vệ sức khỏe người sản xuất.
Thời gian tới, bên cạnh việc tăng diện tích trồng chè mới, HTX tập trung vận động và hướng dẫn các thành viên, hộ liên kết lựa chọn giống chè chất lượng cao, mở rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước sản xuất chè theo chuẩn hữu cơ, GlobalGAP.
Để có thể nâng cao sản lượng bao tiêu chè nguyên liệu cho bà con nông dân, HTX đã tích cực quảng bá, giới thiệu sản sản phẩm Phú Nam 1 bằng nhiều hình thức. Không chỉ tham gia hội chợ, lễ hội, lễ vinh danh làng nghề của huyện và tỉnh, HTX còn mang chè tham gia hội chợ tại Phú Xuyên, Vân Từ (Hà Nội) và sang cả hội chợ tại Quảng Châu (Trung Quốc) bán giới thiệu, tìm kiếm khách hàng...
Theo lãnh đạo UBND xã Phú Đô, cây chè đã và đang giúp 95% số hộ dân trong xã ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận việc sản xuất chè của người dân vẫn còn manh mún, việc ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, chế biến chè chưa thật nhiều.
Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, xã sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của HTX, chủ động tuyên truyền, tập huấn cho người dân nâng cao kỹ thuật trồng và chế biến chè theo hướng an toàn sinh thái. Qua đó, từng bước hướng đến xây dựng thương hiệu chè cho các HTX, làng nghề nói riêng và của xã Phú Đô nói chung. Ngoài ra, xã cũng mong muốn tỉnh và huyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ công cụ sản xuất cho nông dân để nâng cao chất lượng sản phẩm chè.
Mỹ Chí