Năm 2019, sau khi được địa phương tạo điều kiện đi tham quan loạt mô hình sản xuất điểm, chị Nguyễn Thanh Hương, thôn 5, xã Mỹ Trạch quyết định liên kết cùng 15 hộ dân tại địa phương thành lập Tổ hợp tác trồng nấm Thanh Hương, mở ra cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho nhiều thành viên.
Thế mạnh được phát huy
Với diện tích nhà xưởng 1.000m2 và nhà cải tạo trồng nấm 800m2, các thành viên Tổ hợp tác Thanh Hương đầu tư trồng 18.000 bịch nấm sò, 6.000 bịch nấm linh chi, 10.000 bịch nấm mộc nhĩ. Tổng sản lượng thu hoạch của các loại nấm này đạt hơn 14 tấn, trong đó nấm sò 12 tấn, nấm linh chi 9 tạ, mộc nhĩ 1,2 tấn.
Trồng nấm rơm đang mang lại hiệu quả khá cao cho nhiều người dân Mỹ Trạch (Ảnh TL). |
Các sản phẩm nấm làm ra tại Tổ hợp tác đa phần được HTX Tuấn Linh, một HTX điểm của tỉnh Quảng Bình, thu mua, số còn lại tiêu thụ ở các vùng lân cận trong địa bàn tỉnh.
Với những thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ nấm, Tổ hợp tác đạt doanh thu bình quân trên 500 triệu đồng/năm, đồng thời mang lại mức lương trung bình 3 - 5 triệu đồng/tháng/thành viên. Kết quả, từ năm 2019 đến nay, Tổ hợp tác đã có 1 hộ thoát nghèo và 5 hộ thoát cận nghèo.
Tổ trưởng Tổ hợp tác Nguyễn Thanh Hương cho biết, Mỹ Trạch là một xã thuần nông nên có nhiều điều kiện để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu trồng nấm, đơn cử như rơm, rạ. Việc này vừa tiết giảm chi phí, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Trong quá trình sản xuất, các hộ cũng áp dụng sản xuất hữu cơ, sử dụng các hợp chất vi sinh, thân thiện môi trường giúp sản phẩm nấm của Tổ hợp tác đáp ứng tiêu chuẩn của các đối tác thu mua, cạnh tranh tốt trên thị trường”, chị Hương nhấn mạnh.
Cùng với nấm hữu cơ, sim cũng đang là một trong những cây trồng thế mạnh ở Mỹ Trạch những năm qua. Hiện, các hộ sản xuất đã mạnh dạn đầu tư kinh phí, mở rộng diện tích trồng sim theo hướng an toàn sinh thái, nói không với hóa chất độc hại, góp phần tăng giá trị canh tác.
Tiếp tục đẩy mạnh liên kết
Chị Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc HTX Xuân Hưng, thôn 3, Mỹ Trạch chuyên sản xuất nấm và các mặt hàng nông sản cho biết, những năm qua, HTX nhận thu mua quả sim chín để sản xuất sản phẩm từ sim.
Sau nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, biết được giá trị của quả sim chín, nhận thấy vùng đất của quê hương cằn cỗi nhưng lại có nhiều cây sim, chị Xuân đã vận động một số thành viên HTX chuyển đổi diện tích đất trồng sắn, khoai kém hiệu quả sang trồng sim theo hướng hữu cơ, VietGAP, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch.
Xã sẽ tiếp tục thúc đẩy các cây trồng thế mạnh như sim, nấm... theo hướng an toàn sinh thái (Ảnh TL). |
Với hướng đi mới, HTX Xuân Hưng đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho trên 20 lao động ở địa phương có việc làm thường xuyên với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng/người.
Đặc biệt, HTX đã xây dựng được chuỗi sản xuất các loại sản phẩm từ sim, có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn sản phẩm, vệ sinh môi trường, trong đó rượu sim của HTX trở thành một trong 7 sản phẩm OCOP của huyện, đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh năm 2019.
Cũng có đóng góp tích cực vào quá trình phát triển nông nghiệp sạch trên địa bàn xã Mỹ Trạch là HTX sinh thái Sông Son, thôn 7. HTX đang từng bước trở thành đơn vị đi đầu trong quá trình phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm miến dong, miến gạo của địa phương.
Không dừng lại ở thị trường trong nước, ngay từ năm đầu tiên thành lập (2018), HTX đã mạnh dạn tìm thị trường và xuất khẩu hơn 3 tấn miến sang Thái Lan, Lào. Ngoài 7 thành viên, HTX còn tạo việc làm cho 40 lao động, trong đó có 10 lao động thường xuyên, 30 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Phan Thị Lan, thành viên HTX sinh thái Sông Son, cho biết, gia đình chị cấy 10 sào lúa, trung bình mỗi năm thu hoạch được khoảng 6 tấn thóc. Với giá bán 6,5 triệu đồng/tấn, mỗi năm chị thu về gần 40 triệu đồng.
“Vào HTX, tôi cùng các thành viên, hộ liên kết được hỗ trợ đầu vào, đầu ra, chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn sinh thái, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hoạt động của HTX cũng tạo hiệu ứng tích cực tại địa phương khi tình trạng lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp không còn”, chị Lan chia sẻ.
Có thể thấy, kinh tế hợp tác đang có vai trò rất quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, an toàn sinh thái ở Mỹ Trạch. Theo lãnh đạo UBND xã, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ, nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất tại địa phương.
Các HTX cũng sẽ là nhân tố quan trọng để xã thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển thương hiệu, hình thành các mặt hàng nông sản chủ lực, thế mạnh, từ đó tạo nên những giá trị bền vững cho người nông dân trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập.
Hưng Nguyên