Hiện nay, người dân xã Thiên Lộc không chỉ có ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) quanh khu vực sinh sống, mà còn cùng nhau BVMT chung, môi trường sản xuất để mang lại môi trường sống sạch không chỉ cho mình mà còn cho những thế hệ mai sau.
Vai trò của HTX
Nếu như nhiều vùng nông thôn khác đang đau đầu vì ô nhiễm môi trường thì tại xã Thiên Lộc lại trái ngược hoàn toàn. Có được điều đó không thể không nhắc đến vai trò của HTX Vệ sinh môi trường xã Thiên Lộc.
HTX đã tuyên truyền đến từng hộ dân về việc BVMT, thu gom, phân loại rác thải trong từng hộ gia đình. HTX đã thu hút được 17 thành viên và phân công mỗi xóm có 1 - 2 thành viên tiến hành thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày, sau đó vận chuyển đến vùng quy định và xử lý.
HTX ra đời đã hóa giải bài toán ô nhiễm môi trường tại Can Lộc |
Nhờ sự kiên trì của HTX, dần dần, các hộ đều tham gia dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt. Chỉ trong thời gian ngắn triển khai, môi trường thôn xã đã có những thay đổi tích cực. Hoạt động thu gom rác thải cũng đi vào nền nếp, công tác BVMT đã thành trách nhiệm của cả cộng đồng.
Không chỉ thu gom rác thải sinh hoạt, HTX còn huy động lực lượng tổ chức các buổi lao động nội đồng, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, khơi thông cống rãnh tại các thôn, xóm do thành viên quản lý. Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, các thành viên luôn có ý thức vượt qua mọi khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ban Giám đốc HTX cũng thường xuyên kiểm tra chỉ đạo hoạt động thu gom, xử lý rác, đồng thời trích một phần kinh phí bảo dưỡng xe chở rác, trang bị găng tay, ủng cho các thành viên, người lao động thu gom rác, thay mới những xe chở rác không đạt yêu cầu…
Xử lý rác thành phân bón
Ngoài thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt, HTX còn đưa vào sử dụng lò xử lý rác thải hữu cơ thành phân xanh để bón cho cây trồng.
Để làm được điều này, HTX đã xin địa phương kinh phí để mua thêm túi đựng rác cho các hộ gia đình để phân loại rác tại nguồn. Rác hữu cơ được đưa về lò xử lý bằng phương pháp dùng chế phẩm sinh học ủ theo quy trình trong khoảng 30 ngày. Rác ủ chín sẽ được phân loại, loại bỏ những chất vô cơ còn sót sẽ cho ra sản phẩm phân xanh phục vụ sản xuất.
Theo các thành viên, nếu toàn bộ rác thải được chôn lấp thì lượng rác hữu cơ phân hủy gây ô nhiễm nguồn nước, đất, đồng thời bốc mùi hôi thối trong quá trình phân hủy gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, khi HTX tận dụng được lượng rác hữu cơ đó ủ thành phân xanh đã xử lý được phần lớn các vấn đề về môi trường.
Bên cạnh đó, tận dụng rác hữu cơ ủ thành phân xanh dùng để bón cho cây nông nghiệp còn góp phần giải quyết vấn đề thiếu phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo ra sản phẩm sạch, cân bằng sinh thái, giúp đất trồng màu mỡ, không gây hại đến môi trường sống.
“Chúng tôi rất phấn khởi khi được sử dụng phân bón làm từ rác hữu cơ. Nhờ HTX hoạt động liên tục, người dân giảm bớt chi phí đầu tư phân bón đáng kể, vừa giải quyết được lượng rác thải xả ra hàng ngày”, anh Vi văn Lực - người dân xã Thiên Lộc, cho biết.
Đặc biệt, từ khi mô hình xử lý rác hữu cơ thành phân bón đi vào hoạt động, HTX đã liên kết cùng các cơ quan nhà nước để làm việc hiệu quả, chung tay cùng người dân sản xuất nông sản an toàn cũng như xây dựng thương hiệu rau Thiên Lộc vươn xa trên thị trường.
Hoàng Lê