Trong khi nhiều người trẻ chọn con đường bám trụ thành phố để mưu sinh thì cô gái nhỏ nhắn sinh năm 1990 lại bỏ nơi thị thành để lập nghiệp ở miền rừng núi thôn Anh Hùng.
Với tính cần cù, ham học hỏi, biết khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, chị Trâm đã chuyển đổi thành công mô hình trồng cam truyền thống sang mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dám nghĩ dám làm
Chị Trâm chia sẻ: “Trồng cam bảo dễ cũng không phải, khó cũng không phải. Trồng cây gì cũng vậy, luôn đòi người trồng phải bỏ thời gian, tâm sức ngay từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch”.
Dám nghĩ dám làm, không ngừng nỗ lực vươn lên, Nguyễn Thị Thanh Trâm đã tạo việc làm, thu nhập cho nhiều hộ gia đình tại quê nhà. Hiện, HTX trồng cam của chị đang tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ với thu nhập hơn 4 triệu đồng/ người/tháng.
Ngoài ra, HTX còn giúp đỡ về giống cho nhiều hộ gia đình, phổ biến khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho người dân địa phương. Không những thế, gia đình chị luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động; tích cực tham gia và vận động các hộ thành viên khác tại địa phương cùng chung tay xây dựng và gìn giữ thương hiệu cam Thượng Lộc.
Với cách chăm bón khoa học, đúng tiêu chuẩn, vườn cam của các hộ trong HTX đang phát triển tốt, sản lượng tăng, sản phẩm chất lượng cao, được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Các sản phẩm từ cây ăn quả tại HTX được đăng ký theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Chính điều này đã làm cho người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng khi lựa chọn sản phẩm của HTX Trà Sơn.
Nhờ thế, cam của HTX Trà Sơn được các thương lái gần, xa đến tận vườn thu mua, được người tiêu dùng ưa thích. Sản phẩm đã có mặt ở hầu khắp các cửa hàng đến các khu chợ tại địa phương và các vùng lân cận.
Gần 10 năm xây dựng và phát triển, HTX Trà Sơn đã góp phần không nhỏ trong quá trình bảo tồn, gìn giữ và quảng bá thương hiệu cam Thượng Lộc đến với thị trường.
HTX đã góp phần không nhỏ trong bảo tồn, gìn giữ và quảng bá thương hiệu Cam Thượng Lộc |
Điểm sáng về kinh tế hợp tác
Những trái cam ngon ngọt mang đậm hương vị của núi rừng và công sức bền bỉ của những nông dân vùng Trà Sơn đã được đền đáp khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Cam Thượng Lộc” vào tháng 1/2017. Đó là đòn bẩy để HTX tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, nâng tầm thương hiệu với khách hàng.
Tuy nhiên, để duy trì và bảo vệ thương hiệu còn non trẻ vươn xa trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều vùng trồng cam có tiếng, cần phải tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao hơn nữa và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vì vậy, từ 108 hộ tham gia sản xuất, HTX đã tuyển chọn và cân nhắc các điều kiện cơ bản như diện tích, chất lượng cam… để giảm xuống còn 81 thành viên, chia thành 4 tổ hợp tác, với gần 250 ha cam tại các xã như Phú Lộc, Thượng Lộc, Gia Hanh…
HTX còn phối hợp với huyện Can Lộc tổ chức xây dựng và dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm cam của thành viên. Nhờ việc truy xuất nguồn gốc mà khách hàng có thể tìm hiểu các thông tin về nơi sản xuất, cách thức liên hệ, quy trình chăm bón… Hướng đi này đang là cách làm hiệu quả, giúp nhiều hộ sản xuất yên tâm phát triển, quảng bá chất lượng cam ngon nổi tiếng của vùng Trà Sơn.
Về dự định trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, bên cạnh đó áp dụng khoa học kỹ thuật mới để nâng cao năng suất cũng như chất lượng quả, góp phần cung cấp sản phẩm cam Thượng Lộc rộng hơn và tiến xa hơn nữa.
Ông Nguyễn Viết Chuân - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, cho biết: “Mô hình trồng cam của HTX Trà Sơn là mô hình mới về hình thức liên kết: Sản xuất - kinh doanh - công nghệ, trở thành đơn vị đầu tàu về sản xuất, cung ứng cam an toàn ra thị trường và là điểm sáng về kinh tế hợp tác ở huyện Can Lộc”.
Hoàng Lê