Ông Nguyễn Viết Chuân - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, cho biết: “Mô hình trồng cam kết hợp nuôi gà của HTX Trà Sơn là mô hình mới về hình thức liên kết: Sản xuất - kinh doanh - công nghệ. HTX đã trở thành đơn vị “đầu tàu” về sản xuất, cung ứng nông sản an toàn ra thị trường và là điểm sáng về kinh tế hợp tác”.
Phát triển thương hiệu cam giòn
Là người trẻ tuổi lại giữ cương vị Giám đốc HTX, chị Nguyễn Thanh Trâm luôn biết cách đổi mới cuộc sống bằng mô hình phát triển kinh tế hợp tác. Với diện tích đất đồi rộng lớn, chị Trâm đã vận động các thành viên trồng cam giòn.
Cam giòn là đặc sản nổi tiếng của huyện Can Lộc với chất lượng thơm ngon, vang danh trong và ngoài nước. Để đa dạng hóa các đặc sản này, HTX Trà Sơn đã mạnh dạn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. “HTX khuyến khích người mua đến tận nơi tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất của HTX và dùng thử, thấy ưng ý mới mua. HTX là đơn vị chịu trách nhiệm đóng gói, vận chuyển đến tận địa chỉ của người mua. Phí vận chuyển do người mua chi trả”, Giám đốc Nguyễn Thanh Trâm cho biết.
Thực hiện sản xuất theo cách này có ưu điểm giúp các thành viên ứng dụng hiệu quả các thành tựu KH-KT, làm quen với các hợp đồng kinh tế; người mua sở hữu được sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cách làm này còn giúp HTX có điều kiện quảng bá thương hiệu, phát triển địa bàn hoạt động trong và ngoài nước; thành viên có thu nhập ổn định trước biến động của thương trường. Riêng dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, 81 thành viên HTX đã cung cấp 50 - 60 tấn cam ra thị trường.
Sau thời gian theo đuổi nghề trồng cam, các thành viên HTX cũng rút ra kinh nghiệm, việc tuân thủ đúng các kỹ thuật của tiêu chuẩn VietGAP là yếu tố quan trọng giúp vườn cam đạt các yêu cầu về năng suất, sản lượng và mẫu mã. Từ năm 2018, khi cây cam vào độ tuổi thu hoạch, mỗi ha cho thu nhập khoảng 15 tấn, thu nhập từ cây cam sẽ tăng lên 100 - 150 triệu đồng/ha.
Thương hiệu Cam giòn của HTX đã được khẳng định |
Tận dụng bóng mát để chăn nuôi
Đây là điều kiện thuận lợi giúp các thành viên nâng cao thu nhập.
Diện tích đất rộng rãi đang trồng cam là điều kiện thuận lợi để HTX kết hợp chăn nuôi gà. Mặt khác, xưa nay người dân địa phương chỉ nuôi gà theo hình thức nhỏ lẻ, chưa thực sự đầu tư với quy mô lớn, đây chính là điều kiện thuận lợi cho HTX đầu tư mô hình nuôi gà “chạy bộ”.
Ban đầu, do chưa hiểu rõ về kỹ thuật chăm sóc gà “chạy bộ” nên HTX chỉ nuôi thử nghiệm 200 con, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Nhờ không ngừng nghiên cứu thêm sách báo và biết cách áp dụng những tiến bộ KH-KT, các thành viên HTX đã nhận ra rằng nuôi gà “chạy bộ” rất dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh và đều.
Nuôi gà trong vườn cam còn tận dụng được nguồn phân bón trực tiếp cho cây trồng rất tốt, lại giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường. Từ 200 con gà ban đầu, đến nay đàn gà của HTX đã phát triển lên trên 1.000 con.
Cùng với cam, gà “chạy bộ” của HTX cũng được không ít khách đến tận nơi đặt hàng. Số còn lại, nhiều thương lái đã “tranh nhau” để mua từ đầu tháng Chạp.
Để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi và trồng trọt, điều kiện đầu tiên của HTX là phải tuân thủ theo nguyên tắc sản xuất an toàn. Chú ý đến kỹ thuật, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật đối với cây trồng và cho đàn gà ăn sạch, ở sạch, phòng chống dịch bệnh thường xuyên.
Với đầu ra rộng mở, HTX đang tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên, 5 lao động thời vụ với thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/ tháng. Ngoài ra, HTX còn giúp đỡ giống, kỹ thuật, đầu ra cho nhiều hộ gia đình.
Như Yến