Năm 2000, nhận thấy thị trường nuôi gà siêu trứng, lợn công nghiệp phát triển mạnh, anh gom góp và mượn thêm tiền đầu tư chăn nuôi. Với khát vọng làm giàu, anh Tường quyết định xây trang trại và đặt niềm tin vào những con lợn giống.
Nhưng thời điểm đó, các đợt dịch bệnh trên lợn liên tục xảy ra như lở mồm long móng, bệnh tai xanh khiến giá lợn rớt thê thảm. Gia đình anh bị thiệt hại nặng nề, kinh tế kiệt quệ, rơi vào cảnh nợ nần chồng chất...
Đi lên từ thất bại
Thất bại với lợn, anh Tường đi buôn lung tung với mong muốn gỡ gạc chút vốn. Khi có vốn trong tay, anh vay mượn thêm rồi liều mình đầu tư chăn nuôi thử nghiệm giống gà Ai Cập. Kịch bản chăn nuôi lần trước tiếp tục lặp lại càng khiến cho gia đình anh thêm điêu đứng, mất phương hướng.
“Quá tam ba bận”, được sự gợi ý của lãnh đạo Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, anh Tường nhận lời đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, quyết định khởi nghiệp lại từ đầu khi không còn gì để mất.
Khởi điểm, gia đình anh Tường được hỗ trợ 30 con lợn giống. Cùng với đó, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cử cán bộ xuống tận gia đình tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học cho anh.
Từ đó đến nay, gia đình anh Tường làm ăn như… diều gặp gió. Trang trại của anh luôn có 130 - 150 con lợn, gồm cả lợn thịt và lợn nái. Để phát triển thương hiệu thịt lợn sạch, năm 2015, anh quyết định thành lập HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm để liên kết với các hộ chăn nuôi khác trong xã, kết hợp chuyển đổi sang nuôi lợn bằng cám sinh học.
Đến nay, HTX Đồng Tâm của anh đã có 10 thành viên do anh làm Giám đốc, trong đó, 7 thành viên chuyên về chăn nuôi lợn an toàn sinh học, cung cấp thịt lợn sạch ra thị trường, 3 thành viên còn lại chuyên lo khâu đóng gói, giết mổ và vận chuyển thịt lợn thành phẩm đến các cửa hàng, siêu thị...
![]() |
Khu nuôi lợn của giá đình Giám đốc Nguyễn Đình Tường |
Giá thấp vẫn lãi
Lợn nuôi bằng cám sinh học vừa bảo đảm chất lượng, vừa an toàn thực phẩm nên khách tìm đến mua rất đông. Trang trại của HTX hàng trăm con lợn nhưng vẫn không đủ để cung cấp ra thị trường.
Đầu năm 2017, giá lợn hơi “xuống dốc không phanh”, thấp thê thảm, có thời điểm chỉ còn dưới 20 nghìn đồng/kg. Nhưng, HTX Đồng Tâm vẫn trụ vững trước cơn “bão giá”. Thịt lợn xuất ra thị trường đều đặn với giá bán 42 nghìn đồng/kg từ thời điểm đó cho đến tận bây giờ.
Nhờ vậy, mỗi tháng, HTX tiêu thụ ra thị trường hơn 20 tấn thịt lợn sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, với việc đầu tư thêm chế biến, HTX đã chủ động được sản phẩm và có đầu ra ổn định cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại các tỉnh, thành phố.
Đây là một trong những lý do quan trọng để HTX duy trì chăn nuôi, vượt qua cơn “bão giá” lợn thấp kéo dài, giúp thương hiệu thịt lợn sạch Quốc Oai đứng vững trên thị trường trước các đợt dịch. Hiện tại, HTX Đồng Tâm không chỉ xuất thịt thô ra thị trường, mà còn có dây chuyền chế biến thịt lợn thành các món ăn nhanh, như: Xúc xích, nem, giò, chả...
Theo Giám đốc Nguyễn Đình Tường, chăn nuôi lợn bằng cám sinh học mang lại nhiều ưu điểm như bảo vệ môi trường, chuồng trại không có mùi hôi thối; lợn khỏe mạnh, giúp đào thải độc tố; chất lượng thịt luôn thơm ngon, giai, giòn và chắc thịt, mỡ ăn không bị ngấy. Ngoài ra, nuôi lợn bằng cám sinh học còn giảm được chi phí thuốc thú ý.
“Để thịt lợn khi xuất ra thị trường đạt tiêu chuẩn, đàn lợn phải nuôi 6 tháng trở nên, bảo đảm trọng lượng khoảng 120 kg/con”, Giám đốc Nguyễn Đình Tường cho biết thêm. Cũng theo anh Tường, hàng tháng HTX thường xuyên gửi mẫu đi phân tích để kiểm tra chất lượng thịt.
Năm 2017, thịt lợn sạch Quốc Oai của HTX Đồng Tâm vinh dự nằm trong Top 100 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam, do Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức.
Thời gian tới, HTX Đồng Tâm quyết tâm đẩy mạnh sản phẩm thịt lợn sạch sinh học hơn nữa để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, hướng tới nền sản xuất bền vững.
Hoàng Lê