Chị Nguyễn Thị Liên - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Ý tưởng xây dựng HTX bắt đầu từ năm 2016, khi những vấn đề về an toàn thực phẩm, dịch bệnh, giá cả bấp bênh… liên tục xảy ra. Mục tiêu của chúng tôi là vực lại sản xuất, phát triển chăn nuôi theo chuỗi, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an toàn lao động (ATLĐ)”.
Liên kết thành lập HTX
Trước khi thành lập HTX, Giám đốc Nguyễn Thị Liên là một trong những người tiên phong phát triển mô hình nuôi lợn đen theo hướng an toàn trên địa bàn. Sau gần 2 năm thử nghiệm, năm 2015, chị Liên cùng gia đình quyết định đầu tư nâng cấp chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất.
Nhờ sản xuất khoa học, mô hình nhanh chóng đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập trung bình mỗi năm 120 - 150 triệu đồng. Chị Liên duy trì tổng đàn gần 100 con, trong đó, có 10 - 20 con lợn nái (vừa đáp ứng nhu cầu giống sản xuất, vừa cung cấp cho người dân địa phương), 50 - 70 con lợn thịt.
Trên nền tảng đó, năm 2016, chị Liên cùng 8 hộ chăn nuôi trên địa bàn thành lập HTX Phúc Lợi, phát triển mô hình nuôi lợn đen an toàn theo chuỗi, với mục tiêu mở rộng sản xuất, gia tăng lợi nhuận, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngay khi ra đời, HTX tiến hành nghiên cứu thị trường, đánh giá lại cơ sở vật chất, xây dựng quy trình chăn nuôi, từ đó, từng bước chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học, gồm con giống an toàn, thức ăn an toàn, sản phẩm an toàn...
Với phương châm “Sản xuất an toàn - Phát triển bền vững”, HTX chủ động giám sát chặt chẽ quá trình chăn nuôi của các thành viên, hộ liên kết. Quá trình chăn nuôi được ghi chép đầy đủ, từ khâu chăm sóc, các giai đoạn phát triển của vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, đến vệ sinh chuồng trại…
Các loại thức ăn hữu cơ được HTX ưu tiên sử dụng như cám gạo, cám ngô, rau… HTX còn dành một khoảng đất rộng sau khu chuồng trại để xây dựng “sân thể dục”, giúp đàn lợn có không gian vận động, giảm mỡ, tăng cường trao đổi chất.
Mô hình nuôi lợn đen của HTX đang mở ra huớng đi mới cho người dân địa phương |
Xây dựng chuỗi sản xuất
Nhờ phương thức chăn nuôi an toàn, chủ động trong ứng dụng kỹ thuật mới, HTX đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, được thị trường ưu chuộng. Đến nay, 8 hộ thành viên HTX đã cơ bản ổn định sản xuất, doanh thu ổn định ở mức 50 - 100 triệu đồng/năm.
Tiêu biểu như mô hình nuôi lợn đen của gia đình anh Chẩu Văn Hiệp ở thôn Nặm Đíp, nuôi 70 - 80 con lợn đen, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm; gia đình anh Poọng Văn Sơ ở thôn Bản Khiển; mô hình nuôi lợn đen ven đồi của gia đình anh Nguyễn Văn San, thôn Làng Chùa…
Chia sẻ về vai trò dẫn dắt của HTX, anh Chẩu Văn Hiệp cho biết: “Không chỉ đem lại giá trị kinh tế vượt trội, chăn nuôi sinh học góp phần bảo đảm ATLĐ, nâng cao sức khỏe cho người chăn nuôi, đồng thời, góp phần giảm thiểu lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường”.
Theo anh Hiệp, trước đây, hoạt động chăn nuôi của người chăn nuôi tại địa phương diễn ra tự phát, thiếu khoa học, chất thải gây ô nhiễm môi trường, thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Khi có HTX, hệ thống chuồng trại của các hộ được hỗ trợ xây dựng kiên cố, hiện đại, các loại chất thải được tận dụng làm hầm biogas...
Tham gia HTX, các thành viên và người lao động của HTX được tập huấn kiến thức về chăn nuôi an toàn, được trang bị các đồ bảo hộ như ủng, quần áo đặc dụng… khi chăm sóc đàn lợn, từ đó, đem lại hiệu quả cao và bảo đảm ATLĐ trong quá trình sản xuất.
Mô hình chăn nuôi an toàn của HTX Phúc Lợi đang mở ra một hướng đi mới cho người dân huyện vùng cao Lâm Bình. Sau những thành công ban đầu, HTX đang xúc tiến mở rộng sản xuất, xây dựng mô hình chuỗi “chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ”, hướng tới mở rộng quy mô, đem lại lợi ích kép về kinh tế và ATLĐ cho thành viên.
Sáu Ngạn