Na Đài Loan là giống cây mới, được HTX Lục Ngạn Xanh đưa vào trồng thử nghiệm trong gần 3 năm qua. Đến nay, cây na được triển khai trên tổng diện tích hơn 3 ha, trên địa bàn 2 xã Đồng Cốc và Tân Quang.
Ứng dụng công nghệ
Chị Nguyễn Thị Minh Thùy, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết để nâng cao hiệu quả cây na, ngay từ khi đưa vào thử nghiệm, HTX đã chú trọng đào tạo về kỹ thuật, chủ động ứng dụng các loại máy móc, thiết bị hiện đại, đồng thời định hướng sản xuất theo hướng an toàn sinh thái.
Cụ thể, trong quá trình canh tác, các nhà vườn của HTX luôn tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, hữu cơ. Trong khâu chăm sóc, HTX đang sử dụng hệ thống tưới tự động nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Việc ứng dụng tưới tự động cũng giúp HTX tiết kiệm nước.
Na Đài Loan là cây trồng mới đang cho giá trị cao tại HTX Lục Ngạn Xanh. |
“Nhờ sản xuất an toàn, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, cây na của HTX cho năng suất rất cao, quả to, mã đẹp, ít hạt, vị ngọt thanh, trọng lượng 600-800g/quả. Khi chín vỏ quả na vẫn khá cứng nên thuận tiện trong việc bảo quản, vận chuyển đi xa”, chị Thùy chia sẻ.
Với chất lượng, mẫu mã vượt trội, HTX đang xây dựng được mạng lưới thị trường rộng lớn. Hiện, HTX cung cấp na cho các cửa hàng ở tỉnh Bắc Giang, Hà Nội. Na được thu hoạch từ trước Tết Nguyên đán đến cuối tháng 2, đầu tháng 3 (âm lịch) hàng năm.
Vụ mùa năm 2024, na được mùa được giá, HTX dự kiến thu hơn 14 tấn quả. Với giá bán na tại vườn bình quân 65-75 nghìn đồng/kg (cao hơn các giống na khác 20-30 nghìn đồng/kg), ước doanh thu đạt trên dưới 1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 50-60%.
Cũng có được những thành công tích cực nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh là HTX dược liệu Lựu Chanh, xã Trường Sơn (Lục Nam, Bắc Giang), với các sản phẩm chủ lực là trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo, mật ong, nấm linh chi.
Anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc HTX, chia sẻ sau hơn 7 năm hoạt động, từ vỏn vẹn 500 m2 nhà xưởng, nay HTX đã có trên 1.000 m2, được trang bị hệ thống máy móc hiện đại phục vụ sản xuất theo hướng chất lượng cao, nhiều công đoạn được cơ giới hóa hoàn toàn.
Kiến tạo giá trị bền vững
Một trong những khâu được HTX chú trọng ứng dụng công nghệ mới là sấy sản phẩm. Cụ thể, HTX trang bị hệ thống sấy thăng hoa, sấy lạnh nên sản phẩm giữ được màu sắc, hương vị, dược tính. Sản phẩm của HTX cũng bảo đảm “3 không” (không hương liệu, không chất tạo màu, không chất bảo quản).
Năm 2021, trà hoa vàng của HTX được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Trung bình một năm, HTX đạt doanh thu khoảng 2,4 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 20-30%. HTX dự định thời gian tới đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Kết quả từ thực tế chỉ ra trong những năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng khẳng định được vai trò cầu nối, phát triển sản xuất theo hướng an toàn gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 1.100 HTX, trong đó hơn 65% là HTX nông nghiệp.
Đáng chú ý, các HTX đang nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực. Như tại HTX Nông nghiệp Quang Duy, xã Đồng Lạc (Yên Thế) được thành lập từ năm 2019 với 7 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến nông sản với thương hiệu dầu lạc, dầu gấc, dầu mè...
Ứng dụng công nghệ cao đang giúp nông dân Bắc Giang nâng cao giá trị sản xuất. |
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX, cho biết: “Nguồn lực của phần lớn các HTX nông nghiệp đều rất hạn hẹp, cộng thêm phải cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường, vì vậy nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ rất khó đi lên. Nhờ được hỗ trợ mua máy móc, HTX đã nâng công suất ép dầu từ 80 lít trước đây lên 600 lít/ngày, chất lượng sản phẩm nâng cao rõ rệt”.
Để có bước phát triển như hôm nay, năm 2020, HTX Nông nghiệp Quang Duy được Sở Công Thương hỗ trợ 50% kinh phí mua dây chuyền ép dầu. Từ năm 2021 đến nay, HTX được Hội Nông dân tỉnh, Sở NN&PTNT hỗ trợ tem, bao bì, nhãn mác, tổ chức nhiều đợt trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại… Nhờ đó, thương hiệu dầu ăn Đại An ngày càng được nhiều khách hàng biết đến, trong đó một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, doanh thu của HTX năm 2023 đạt hơn 3 tỷ đồng.
Tạo đà cho nông nghiệp hiện đại
Không chỉ trong khu vực HTX, Bắc Giang đang chú trọng các nguồn lực để định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường sinh thái.
Hiện nay toàn tỉnh đã đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất: triển khai xây dựng 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 585 HTX nông nghiệp, trong đó 48 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao.
Đây là điểm tựa giúp giá trị sản phẩm trồng cây hàng năm của tỉnh đạt trên 92 triệu đồng/ha, giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 400 triệu đồng/ha (tăng hơn 5 triệu đồng so năm 2020).
Tỉnh cũng tập trung xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Với nỗ lực đó, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Kết quả, đến nay tỉnh đã đạt nhiều kết quả trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao với 52 sản phẩm chủ lực và đặc trưng, gồm: 8 sản phẩm chủ lực (vải thiều, gà, lợn, cam bưởi, lúa chất lượng, rau, lạc, cá), 14 sản phẩm đặc trưng, 30 sản phẩm tiềm năng; 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, trong đó một số sản phẩm được bảo hộ nước ngoài như: “Mỳ Chũ”, “Mỳ Kế” được bảo hộ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan; “Gà đồi Yên Thế” được bảo hộ tại Singapore, Trung Quốc, Lào; “Vải thiều Lục Ngạn” được bảo hộ tại Mỹ, Úc, Singapore.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, phát huy tối đa nội lực, tiềm năng sẵn có để phát triển về lâu dài cùng với việc hỗ trợ nông dân, tỉnh sẽ có hỗ trợ mạnh mẽ hơn về vốn vay, về khoa học công nghệ, về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đồng thời đẩy mạnh mối liên kết giữa "4 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp trong các khâu nghiên cứu - chuyển giao, ứng dụng - sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Lệ Chi