Đông Triều hiện có gần 900 ha trồng na, trong đó xã An Sinh chiếm khoảng 50% tổng diện tích. Để tạo ra các nông sản sạch, từ năm 2018 đến nay, các hộ trồng na trong xã đã tích cực chuyển đổi diện tích trồng na truyền thống sang áp dụng quy trình VietGAP, thân thiện môi trường.
Đổi mới tư duy sản xuất
Làm chủ vườn na rộng gần 1,2 ha, ông Nguyễn Minh Sơn, xã An Sinh cho biết nhờ sự đồng hành của địa phương và HTX na dai Đông Triều, gia đình ông triển khai canh tác theo quy trình VietGAP, và nhanh chóng cho thấy lợi ích thiết thực.
Các hộ trồng na ở Đông Triều đang phát triển sản xuất theo hướng VietGAP (Ảnh TL). |
Áp dụng quy trình VietGAP, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, đều được gia đình ông ghi lại trong nhật ký nông vụ, đảm bảo tính hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và thân thiện môi trường.
Đơn cử, trong việc dùng phân bón, nếu trước đây cứ mỗi gốc na ông Sơn tốn 1 bao phân, để tự hoai mục ngấm vào đất, thì nay theo quy trình VietGAP, ông tiến hành đánh luống xung quanh gốc na, sau đó mới bón phân theo tỷ lệ và lấp đất.
Theo ông Sơn, việc áp dụng sản xuất VietGAP giúp sản phẩm na của gia đình ông và các hộ trong xã có năng suất cao hơn 15 – 30%, mẫu mã đẹp. Đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc rất thuận lợi, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và có giá bán cao hơn.
“Năm 2019, sau 2 năm triển khai sản xuất VietGAP thì sản phẩm na dai của gia đình tôi và nhiều hộ trong xã được dán tem có mã QR truy xuất nguồn gốc. Giờ nông dân xã không phải mang hàng hóa đi bán như trước, mà thương lái đến tận vườn mua hàng”, ông Sơn phấn khởi nói.
Theo tiêu chuẩn đóng gói, những quả na đạt chuẩn sẽ được bọc xốp, dán nhãn có mã QR truy xuất và xếp vào thùng theo trọng lượng 10 kg trước khi dán nhãn.Với những quả na này, người tiêu dùng chỉ cần dùng phần mềm quét mã QR của điện thoại là có thể dễ dàng truy được nguồn gốc của sản phẩm.
Ông Hoàng Đức Mạnh, đại diện HTX na dai Đông Triều, nhận định trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm là điều mấu chốt để tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, Nhà nước hỗ trợ thực hiện chương trình VietGAP cho nông dân và HTX là điều rất quý.
“Quý ở chỗ, nó định hướng cho người dân tổ chức sản xuất mang yếu tố chuyên nghiệp hơn, sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn và dễ tiêu thụ. Có tiêu thụ thuận lợi thì đời sống, thu nhập của bà con mới ổn định, phát triển”, ông Mạnh nói.
Nông dân làm giàu
Cùng với sản xuất VietGAP, nhiều hộ trồng na ở Đông Triều đã chủ động ứng dụng kỹ thuật để “ép” na ra quả gối vụ. Cụ thể, theo cách trồng truyền thống thì na chỉ cho thu hoạch một vụ/năm. Tuy nhiên, nếu áp dụng các kỹ thuật như ngắt lá, tỉa cành, đặc biệt là phương pháp “thụ phấn chủ động” thì cây na có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm.
Việc được dán tem truy xuất nguồn gốc giúp sản phẩm na dai Đông Triều thuận lợi về tiêu thụ (Ảnh TL). |
Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11. Ước tính 1 ha na gối vụ sẽ cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả.
Sự khác biệt lớn nhất giữa 2 vụ na, đó là na gối vụ cho quả từ thân cây, khác hẳn với na vụ chính, quả được thu từ ngọn và cành. Vì vậy, theo các hộ sản xuất, việc thu hoạch na gối vụ đơn giản và nhàn hơn rất nhiều.
Nhằm đảm bảo chất lượng cho quả na, người trồng na ở Đông Triều cũng tiến hành bọc túi chuyên dụng từ khi quả còn bé để không bị các loài sâu bệnh tấn công. Đặc biệt, với na gối vụ, quả được nuôi trực tiếp từ thân cây, tiếp nhận nhiều chất dinh dưỡng nhất nên quả to.
Kết quả, na gối vụ rất dễ tiêu thụ và được giá cao vì nhu cầu của người tiêu dùng lớn hơn nguồn cung hiện có. Hiện giá thu mua na ngay tại vườn từ 18.000 - 25.000 đồng/kg.
Theo thống kê của xã An Sinh, trung bình 1 ha trồng na áp dụng quy trình VietGAP hiện cho sản lượng trên 10 tấn quả/năm, doanh thu trên 300 triệu đồng, tăng hơn 2 tấn, gần 70 triệu đồng so với trồng na theo phương thức truyền thống.
Do na là cây trung niên, có tuổi đời khai thác chỉ khoảng 20 năm nên các hộ dân ở Đông Triều luôn chú ý đến quá trình trồng cây mới, sẵn sàng thay thế các gốc na đã cỗi, không còn đảm bảo sản lượng.
Với các ưu điểm như vỏ mỏng, bóng, có màu vàng khi chín, vị ngọt sắc, thơm, không cát kết hợp với đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, được dán tem truy xuất... Dự kiến, thương hiệu na dai Đông Triều sẽ sớm vươn xa, đến với những thị trường khó tính hơn trong tương lai.
Hưng Nguyên