Năm 2019, HTX dịch vụ nông nghiệp Bồng Mạc được chọn thí điểm triển khai trồng giống lúa Japonica trên quy mô 25ha với tổng chi phí đầu tư cho mô hình là 27,723 triệu đồng. Qua theo dõi sinh trưởng của dòng lúa này cho thấy, giống J01 rất thích hợp với chân trũng (vụ Xuân) và chân vàn (vụ Mùa). Vì thế, vụ Đông Xuân vừa qua, HTX Bồng Mạc tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao J01 với sự tham gia 203 thành viên trên diện tích 50 ha.
Sản xuất lúa tập trung theo hướng hàng hóa
Trước đó, thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố” của UBND TP. Hà Nội, Chi cục Phát triển nông thôn TP. Hà Nội đã rà soát, lựa chọn và tiến hành xây dựng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất lúa tập trung theo hướng hàng hóa bền vững.
Mô hình sản xuất lúa hàng hóa J01 ở HTX Bồng Mạc cho năng suất cao, chống sâu bệnh tốt, có triển vọng xuất khẩu. |
UBND huyện Mê Linh đã khuyến khích HTX chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị canh tác, thay đổi tập quán, đưa các giống có năng suất cao và chất lượng tốt, thay thế dần các giống lúa cũ, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại địa phương.
Tại vùng đất lúa truyền thống thôn Bồng Mạc, vốn được thiên nhiên ban tặng cho một tiểu vùng sinh thái lý tưởng, phát triển, sinh trưởng tốt để sản xuất giống lúa Japonica.
Ông Tạ Hồng Lý, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bồng Mạc cho biết, giống lúa Nhật Japonica (J01) chất lượng cao do Viện di truyền nông nghiệp và Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam phối hợp đưa vào HTX sản xuất có khả năng thích ứng rộng, chống đổ ngã tốt, đẻ nhánh khỏe, chịu sâu bệnh tốt. Đặc biệt, giống lúa này có hạt gạo trong bóng, cơm mềm, vị đậm, có tiềm năng xuất khẩu, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.
Theo đó, các hộ tham gia mô hình sẽ được Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, hỗ trợ 50% giống lúa J01 và 50% chi phí vật tư phân bón.
Cách đây mấy năm, các thành viên ở HTX Bồng Mạc như bà Trần Thị Trọng (thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc) chưa biết đến lúa Japonica là gì. Nhưng được sự giới thiệu, hỗ trợ của HTX, trong quá trình đưa giống Japonica J01 vào sản xuất, đặc biệt là tập huấn kỹ thuật, bà Trọng cùng các thành viên HTX đã thành công khi cấy giống lúa này.
“Giờ đây, kinh nghiệm gieo trồng, chăm sóc đã nằm trong lòng bàn tay, đã trồng thử lúa Japonica rồi thì không thể bỏ được”, bà Trọng bày tỏ.
Đặc biệt, khi tham gia mô hình sản xuất lúa chất lượng cao J01 của HTX, bà Trọng và các thành viên HTX phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt, khắt khe như: Nguồn đất, nước sạch, không nhiễm các hóa chất độc hại đối với con người và môi trường; chỉ được dùng phân xanh, phân chuồng đã được ủ hoai mục; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Tương tự, chị Nguyễn Thị Dị (thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc), thành viên HTX cho biết, thời tiết như mấy năm nay, cấy các giống lúa khác bị nhiễm bệnh nhiều, năng suất thấp, chất lượng hạt kém. Tuy nhiên, khi trồng giống J01, bông vẫn đạt tiêu chuẩn đều.
"Trước đây nhà tôi trồng Khang dân, Bắc thơm bán ra chỉ 8.000 đồng/kg, nhưng trồng giống lúa này, giá đã lên đến 10.000 đồng/kg. So với cách cấy lúa truyền thống thì lúa theo hướng hàng hóa có nhiều quy định ràng buộc, nhưng an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn", chị Dị phấn khởi nói.
Thành công xây dựng chuỗi liên kết
Tháng 6 vừa qua, HTX tiến hành thu hoạch vụ Đông Xuân lúa Japonica (J01) cho năng suất bình quân đạt 6,4 tấn/ha, tăng 0,8 tấn so với các giống khác cấy năm 2020. Hơn nữa, chất lượng gạo thơm ngon nên giá bán ra thị trường cao hơn lúa thông thường khoảng 20%, tương đương với 10.000 đồng/kg, thu nhập 64 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, các hộ tham gia mô hình thu lãi gần 30 triệu đồng/ha.
Thành viên HTX Bồng Mạc phấn khởi gieo cấy lúa bước vào vụ mùa. |
Nhờ những ưu điểm này mà đa phần các thành viên HTX Bồng Mạc đã chuyển hẳn sang canh tác lúa J01. Tuy nhiên, để vùng lúa Japonica chất lượng cao của HTX được mở rộng, rất cần vai trò của các doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, tiêu thụ.
Do vậy, thời gian qua, HTX Bồng Mạc đã liên kết với Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (nay là tập đoàn giống cây trồng Việt Nam) để tiêu thụ ổn định sản phẩm lúa gạo cho bà con thành viên. Đầu tháng 7/2021, HTX cùng thành viên tiếp tục liên kết với công ty sản xuất vụ Hè Thu, tiến hành triển khai trồng 30ha lúa Đài thơm 8 và J01.
Đánh giá về tính ưu việt của mô hình này, ông Tạ Hồng Lý, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bồng Mạc cho biết, việc thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao Japonica J01 đã tạo điều kiện cho HTX liên kết, phát triển theo hướng chuyên canh quy mô hàng hóa. Đồng thời, tổ chức cho các thành viên HTX mở rộng liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định việc làm, nâng cao đời sống cho các thành viên.
Thời gian tới, để khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất lúa hàng hóa, UBND huyện Mê Linh tiếp tục vận động nhân dân dồn ghép ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xây dựng, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng các vùng chuyên canh hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Song song với đó, huyện sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng như: điện, đường giao thông nội đồng, cải tạo, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi tưới tiêu, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển hơn nữa.
Tô Thương