Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất đã và đang tạo bước đột phá trong nền nông nghiệp của một tỉnh miền núi như Bắc Kạn. Các mô hình này từng bước thay đổi tập quán của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá theo nhu cầu thị trường.
Đầu tư nhà màng công nghệ cao
Tiêu biểu phải kể đến HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố (huyện Chợ Mới) đang tập trung trồng rau củ quả. Để tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, HTX xác định hướng đi ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất bằng việc đầu tư nhà lưới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào canh tác, đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ phủ bạt trên bề mặt luống, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương…
Theo đó, nhiệt độ, độ ẩm trong nhà lưới được kiểm soát tự động thông qua ứng dụng (app), tất cả được điều khiển trên điện thoại thông minh dù ở bất cứ đâu. Nhà lưới mới chỉ kiểm soát được thời tiết và sâu bệnh, nhưng về chăm sóc thì phân bón lại là khâu quan trọng không kém. Chính vì vậy, HTX không dùng phân bón hóa học mà chú trọng sử dụng phân hữu cơ để nâng cao chất lượng rau củ quả.
Khi đã có sản phẩm, việc xây dựng nhãn hiệu để đầu ra ổn định cũng lại cần công nghệ. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc được HTX thực hiện đồng bộ nhằm tạo niềm tin với người tiêu dùng. HTX cũng xây dựng các trang bán hàng điện tử để tiếp cận khách hàng và xúc tiến thương mại.
HTX Như Cố đầu tư xây dựng nhà màng giúp cây trồng phát triển thuận lợi, không bị phụ thuộc vào thời tiết. |
Theo Ban giám đốc HTX, áp dụng công nghệ là điều kiện bắt buộc mà HTX đề ra để giảm nhân công lao động, tăng sản lượng và chất lượng, nâng cao thu nhập. Từ chỗ thu nhập 10 triệu đồng mỗi năm cũng khó, HTX hiện đã đạt vài trăm triệu đồng cùng trên diện tích đất đó, tất cả đều nhờ vào công nghệ.
Cũng sản xuất trong lĩnh vực rau củ quả, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt (huyện Ngân Sơn) đã nhận ra vai trò quan trọng của khoa học công nghệ trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho thành viên. Hai năm trở lại đây, HTX đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tự động, cảm biến độ ẩm để trồng các loại rau, quả.
Anh Nông Văn Thành, Giám đốc HTX cho biết, trước đây cứ 5.000m2 đất phải có 5 lao động mới chăm sóc được thì nay áp dụng công nghệ cao chỉ cần 1 - 2 "công nhân".
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ giúp người trồng có thể chủ động trong sản xuất. Chẳng hạn như trong quá trình trồng dưa lưới, công nghệ nhà màng với hệ thống cảm biến có thể giúp HTX tăng hoặc giảm vị ngọt cho quả. Bên cạnh đó, do thị hiếu của người tiêu dùng thường thích những quả dưa nặng khoảng 1,5-2kg/quả, nên việc ứng dụng công nghệ cao trong chăm sóc là vô cùng cần thiết để trọng lượng quả đều.
Đưa công nghệ vào chăn nuôi
Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt mà với chăn nuôi, các HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề đầu ra cũng như gia tăng lợi nhuận.
Điển hình như HTX Nhung Lũy ở huyện Ba Bể đang mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi trong những năm gần đây. Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn trên thị trường ngày càng cao nên các thành viên đã dành nhiều thời gian để đi tham quan, tìm hiểu, học hỏi các mô hình quy trình sản xuất sạch ở trong và ngoài tỉnh, sau đó quyết định đầu tư hơn 4 tỷ đồng cho chăn nuôi lợn công nghệ cao.
HTX đảm bảo các công đoạn từ phối trộn thức ăn đầy đủ nguồn dinh dưỡng đến chăm sóc lợn con, lợn thịt và xử lý môi trường. Chuồng nuôi được đầu tư theo hình thức khép kín, các nguồn chất thải, nước thải, phế phụ phẩm chăn nuôi không xả trực tiếp ra môi trường mà được thu gom, xử lý qua hầm biogas xuống bể phốt và xử lý bể phốt bằng vi sinh bản địa IMO.
Toàn bộ thức ăn cho lợn đều được các thành viên nhập từ các cơ sở cung cấp thức ăn có uy tín, bảo đảm an toàn. Lúc cao điểm, đàn lợn thịt của HTX đạt 400-500 con. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ chăn nuôi đạt 4,1 tỷ đồng. Mô hình nuôi lợn sạch, khép kín của HTX Nhung Lũy đang cho hiệu quả bước đầu và là hướng đi phù hợp trong phát triển chăn nuôi hiện nay.
HTX Trần Phú đang là mô hình hoạt động hiệu quả nhờ tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. |
Theo các ngành chức năng, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chăn nuôi cho hiệu quả rõ rệt. Tùy vào thực lực, nguồn vốn mà mỗi HTX có cách áp dụng khoa học kỹ thuật một các khác nhau như ứng dụng quy trình VietGAP, hữu cơ, đầu tư nhà màng, đầu tư theo hướng công nghệ cao… Qua các mô hình này, người dân đã nâng cao được trình độ sản xuất, thay đổi nhận thức để thích ứng với nhu cầu của thị trường.
Tiêu biểu như HTX Trần Phú (huyện Na Rì) đã áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gà và lợn, đem lại hiệu quả cao gấp 2 lần so với chăn nuôi thông thường. Tỷ lệ phối giống và ấp trứng thành công 95%. Con giống khỏe mạnh, được người chăn nuôi tin tưởng sử dụng. Số thành viên liên kết chăn nuôi với HTX Trần Phú cũng tăng từ 15 hộ ban đầu lên gần 100 hộ. Hiện, HTX đã mở cửa hàng nông sản sạch, chú trọng chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.
Có thể thấy, trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp người dân, HTX chuyển đổi mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị hàng hóa. Phần lớn các sản phẩm của các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có liên kết bao tiêu sản phẩm, thị trường tiêu thụ ổn định, từ đó hình thành được chuỗi giá trị bền vững.
Tùng Lâm