Mô hình nuôi lấy mật vốn phổ biến tại các vùng đồi núi, thế nên ít ai biết rằng sinh kế nuôi ong lấy mật lại phát triển mạnh mẽ tại vùng bãi lầy ven biển như khu vực như xã Đa Lộc,huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa này.
Hiệu quả từ mô hình nuôi ong lấy mật
Ông Trần Duy Thái ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa trước đây sống chủ yếu bằng việc khai thác không bền vững nguồn lợi thủy sản tại khu bãi lầy. Nhận thấy việc khai thác nguồn lợi thủy sản này bấp bênh, trong khi đó, ong về rừng ngập mặn hút mật rất nhiều, có thể khai thác bền vững từ những đàn ong này. Chính vì vậy, trong vài năm trở lại đây, gia đình ông đã chuyển sang nuôi ong lấy mật.
Ông Trần Duy Thái đang kiểm tra đàn ong trong vườn nhà mình |
Ông Trần Duy Thái chia sẻ: “Nghề nuôi ong Nuôi ong lấy mật tại đây rất dễ. Nhưng ngược lại cũng rất khó. Đòi hỏi người nuôi ong phải say mê, yêu quý nghề thì mới có thể theo nghề này được.”.
Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các hộ gia đình, mô hình nuôi ong mật tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn còn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Bởi, song song với việc nuôi ong lấy mật, người dân cũng phải nâng cao ý thức bảo vệ diện tích rừng ngập mặn, có như vậy thì đàn ong mới có thể phát triển.
Dựa vào lợi thế hoa cùng những loài cây có sẵn trong rừng, người nuôi ong sẽ không tốn chi phí trồng cây ra hoa mà vẫn có thể cung cấp nguồn thức ăn phong phú cho đàn ong. Từ đó cho ra thành phẩm mật ong có chất lượng cao.
Hiện nay, xã Đa Lộc đã thành lập tổ hợp tác nuôi ong với khoảng 200 hộ gia đình với hơn 500 đàn ong nội. Ngoài ra với nguồn tài nguyên rừng ngập mặn, các chủ trại nuôi cũng di chuyển đàn ong ngoại (ong Italia) từ các tỉnh phía Bắc đến Đa Lộc vào những mùa hoa với hơn 1,000 đàn. Hàng năm cho thu hoạch khoảng 20 tấn mật ong từ rừng ngập mặn.
Phát triển để trở thành HTX
Trên thực tế, hiện nay việc nuôi ong lấy mật tại xã Đa Lộc đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân. Tuy nhiên, việc nuôi ong lấy mật tại đây vẫn còn theo mô hình tự phát, trang bị, kỹ thuật nuôi chủ yếu do kinh nghiệm bản thân, không theo quy chuẩn. Nguồn vốn để duy trì hoạt động và phát triển thương hiệu sản phẩm vẫn còn thiếu. Hiệu quả thu nhập chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Nhằm giúp người dân phát triển bền vững với nghề nuôi ong lấy mật, và ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tài trợ.
Xã Đa Lộc sẽ mở rộng thêm 130 ha rừng ngập mặn, nhằm tăng cường chắn sóng bảo vệ đê biển, đồng thời tạo điều kiện cho nghề nuôi ong có cơ hội phát triển. |
Thực hiện kế hoạch hỗ trợ Tổ hợp tác phát triển sản phẩm mật ong trong rừng ngập mặn tại xã Đa lộc huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên và thích ứng biến đổi khí hậu đã xây dựng kế hoạch, hợp tác triển khai xây dựng mô hình Tổ hợp tác nuôi ong cho 21 thành viên. Đây là một trong những hộ đi tiên phong để từng bước phát triển lên mô hình HTX ong Đa Lộc.
Ông Lê Phú Đạt, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án GCF tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Qua việc triển khai mô hình nuôi ong, chúng tôi đánh giá rằng từ trước và sau khi triển khai mô hình nuôi ong lấy mật, hiệu quả kinh tế tăng lên từ 2 đến 3 lần so với việc trước khi nuôi ong. Do vậy, việc kết hợp sinh kế của người dân, từng bước phát triển thành HTX cũng như bảo vệ rừng ngập mặn là mối quan hệ khăng khít và bền vững”.
Việc sớm thành lập HTX ong Đa Lộc sẽ giúp người dân có thêm kiến thức, dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để mua sắm các dụng cụ, trang thiết bị nuôi. Áp dụng những kỹ thuật tiên tiến vào trong quy trình sản xuất để từng bước xây dựng thương hiệu ong rừng ngập mặn Đa Lộc. Tiến tới có sản phẩm OCOP đặc trưng của xã Đa Lộc. Từ đó phát triển bền vững nghề nuôi ong, nâng cao thu nhập từ nghề này.
Ông Bùi Chí Công, Chủ tịch Hội làm vườn và trang trại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Hiện nay, nghề nuôi ong xã Đa Lộc đang phát triển thuận lợi, do được chính quyền địa phương và các tổ chức, dự án trong nước và nước ngoài quan tâm hỗ trợ. Về phía xã đã tạo điều kiện để tổ hợp tác hoàn thiện về thủ tục, hồ sơ, pháp lý, mặt bằng sản xuất và văn phòng giao dịch, từng bước thành lập HTX.”.
Trong tháng 4 năm 2021, Trung tâm đã tổ chức 2 cuộc tập huấn nâng cao kiến thức nuôi ong cho 50 thành viên nòng cốt của câu lạc bộ nuôi ong thuộc xã Đa Lộc. Thông qua lớp tập huấn, các thành viên Tổ hợp tác đã nâng cao được kiến thức nuôi ong và kĩ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh để mô hình ong phát triển bền vững lâu dài và có thương hiệu trong nước và quốc tế. Từ đó từng bước phát triển lên mô hình HTX ong Đa Lộc theo hướng bền vững.
Nguyễn Khuê