Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam |
Nhiệm kỳ Đại hội VI Liên minh HTX Hải Dương cần tập trung xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa quy mô lớn, kiên trì xây dựng tổ hợp tác, HTX hướng tới hình thành Liên hiệp HTX, nâng cao nhận thức của các HTX trong công tác quản trị, khởi nghiệp. Phát huy lợi thế của địa phương, cần có các giải pháp, cơ chế phối hợp mạnh hơn để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy lợi thế vùng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội của tỉnh.
Thời gian qua, các HTX tại Hải Dương hoạt động với nhiều loại hình sản xuất kinh doanh đa dạng, phong phú, góp phần hỗ trợ kinh tế hộ phát triển. Hội đồng quản trị HTX cùng với thành viên và người lao động luôn chủ động phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học và sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó giải quyết được số lượng lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tạo được công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống người dân ngày càng ổn định.
Đứng trên vai "người khổng lồ" để phát triển
Ở Hải Dương, mô hình HTX tổ chức sản xuất theo theo tiêu chuẩn Vietgap, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên không hiếm. Tiêu biểu cho mô hình này là HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ thành lập vào tháng 7/2017 sản xuất và tiêu thụ ổi sạch theo chuỗi giá trị gồm 20 thành với diện tích 8ha ổi VietGAP. Tuy hoạt động chưa lâu nhưng sản phẩm của HTX đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Bà Lương Thị Cúc, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ cho biết, các thành viên của HTX được hỗ trợ giá về vật tư nông nghiệp, về quy trình sản xuất sạch và sản phẩm được thu mua cao hơn giá thị trường.
"Để chủ động trong khâu sản xuất cũng như tìm đầu ra, HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco để cung ứng ổi sạch cho các siêu thị, cửa hàng của Tập đoàn Vingroup", bà Cúc nói.
Và, để đưa được quả ổi vào siêu thị, HTX chịu sự giám sát chặt chẽ của công ty, từ khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), dọn vườn, sơ chế đến thu hoạch. Tất cả đều được ghi chép tỉ mỉ, đảm bảo thời gian cách ly trước khi xuất ra thị trường. Các hộ tham gia HTX đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình của đơn vị thu mua đưa ra.
Những mô hình HTX liên kết với những doanh nghiệp lớn, tên tuổi để tiêu thụ sản phẩm như HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ đã giúp nông sản của tỉnh đến được với nhiều người tiêu dùng trong cả nước hơn.
Đáng nói là các hình thức và nội dung liên kết rất đa dạng, như liên kết ứng trước vật tư phân bón, cung ứng giống cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; liên kết tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên, hộ nông dân; liên kết làm đất bằng máy; liên kết đánh bắt chuột… Tiêu biểu như HTX DVNN Đức Chính (Cẩm Giàng), HTX DVNN An Thanh (Tứ Kỳ), HTX nông nghiệp xanh V-Phúc (Kim Thành), HTX DVNN Quốc Tuấn, Đồng Lạc (Nam Sách); HTX DVNN Ngũ Hùng (Thanh Miện)…
Với cách làm đó, từng HTX đã phát huy nội lực, khắc phục khó khăn để vươn lên, nhằm đảm bảo việc làm và đời sống cho thành viên, người lao động trong từng đơn vị, đóng góp ngày một tăng vào ngân sách Nhà nước. Một số HTX nộp ngân sách mỗi năm hàng tỷ đồng, tiêu biểu là: HTX chế biến gỗ Quang Khoẻ (TP Hải Dương), HTX TTCN Mai Hồng (huyện Kim Thành), HTX Phú Thịnh (thị xã Kinh Môn)…
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hải Dương |
Với tinh thần “Hợp tác - Đổi mới - Sáng tạo - Hiệu quả - Phát triển bền vững” Đại hội Liên minh HTX tỉnh Hải Dương lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đặt mục tiêu nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế hợp tác, HTX nhằm xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên, cộng đồng dân cư tại địa phương, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển mạnh kinh tế hợp tác, HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, nhân rộng các mô hình hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển. Góp phần hình thành và nhân rộng chuỗi giá trị sản phẩm trong HTX, đảm bảo hài hòa lợi ích các chủ thể tham gia.Để không ai bị bỏ lại phía sau
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các HTX gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh Covid-19 vào đầu năm 2020 vừa qua làm khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, các sản phẩm ngành nghề, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX bị ảnh hưởng không nhỏ. Các mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả như ở Hải Dương đã hỗ trợ tích cực đến sản xuất kinh doanh của kinh tế hộ gia đình, tạo đựoc tâm lý xã hội tốt cho phong trào phát triển kinh tế tập thể.
Nhìn rộng hơn, rõ ràng chính sách của Nhà nước về kinh tế hợp tác, HTX nói chung chưa tạo ra những điều kiện về hành lang pháp lý đủ mạnh, khuyến khích tác động, thúc đẩy HTX phát triển. Vì vậy, nếu địa phương không có sự năng động, chủ động đưa ra những giải pháp để hỗ trợ các HTX phát triển thì rõ ràng người dân sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử như một số chủ trương, chính sách về phát triển HTX đã đề ra nhưng đến nay chưa được triển khai thực hiện đầy đủ, thiếu đồng bộ hoặc chưa được hướng dẫn thi hành, nhất là các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển HTX (về miễn giảm thuế, giao, cấp đất không thu tiền…) làm hạn chế việc đưa chính sách vào cuộc sống. Luật HTX chưa làm rõ các loại hình HTX và chưa có quy định riêng phù hợp với HTX trong nông nghiệp, nông thôn; trong khi thực tế diễn ra rất đa dạng, phong phú.
Cũng phải nói thêm, nhận thức về HTX kiểu mới của một bộ phận cán bộ, nhân dân và cán bộ quản lý HTX và thành viên HTX chưa đầy đủ, chưa thấy rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của kinh tế hợp tác, HTX đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Quy mô một số HTX vẫn còn nhỏ, lẻ, manh mún, thiết bị, công nghệ lạc hậu; hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi và mô hình liên doanh, liên kết còn hạn chế, hầu hết các HTX chưa có sự tìm hiểu thị trường về nhu cầu người tiêu dùng, không chú trọng tới quy luật cung cầu của thị trường….dẫn đến chất lượng sản phẩm còn thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, hiệu quả kinh tế mang lại cho thành viên chưa cao, từ đó đã dẫn tới các thành viên thiếu quan tâm, chưa thực sự tâm huyết và gắn bó với HTX
Trở lại với câu chuyện phát triển kinh tế hợp tác, HTX ở Hải Dương, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hải Dương nói rằng, những việc mà Hải Dương làm được dù đã đạt được một số thành công. Nhưng rõ ràng, để khu vực kinh tế hợp tác, HTX thực sự trở thành một động lực phát triển thì ngay bản thân Liên minh HTX tỉnh cũng phải đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của mình.
"Cần nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ về đào tạo, khoa học công nghệ, tài chính, đẩy mạnh xúc tiến thương mại… nhằm nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh của các HTX, THT; đủ sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác trong nước và từng bước hội nhập thị trường quốc tế." bà Hương nói.
Ngoài ra, thời gian tới Hải Dương cũng sẽ xây dựng, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị. Đồng thời, lựa chọn HTX sản xuất, kinh doanh gắn với sản phẩm chủ lực của huyện, tỉnh có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đẩy mạnh mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa...
Minh Thành