Hiện nay, phát triển hạ tầng thủy lợi nói chung và hệ thống kênh mương thủy lợi nói riêng có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn.
Thuỷ lợi tốt gắn chặt với năng suất nông nghiệp
Thanh Hóa là một trong số những địa phương đang làm tốt công tác hạ tầng thuỷ lợi, điều này góp phần không nhỏ vào năng suất chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá, hiện nay toàn tỉnh có 2.524 công trình tưới, tiêu nước, 12.984 km kênh mương nội đồng, hằng năm đảm bảo tưới cho hơn 423.000 ha cây trồng chủ yếu như: Lúa, ngô, lạc, đậu tương, khoai lang… Bên cạnh đó, các địa phương trong trong tỉnh đã chú trọng thực hiện các giải pháp như tích tụ ruộng đất, đầu tư, ứng dụng các biện pháp thâm canh và an toàn thực phẩm để hình thành 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cấp tỉnh và 55 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã.
Đáng chú ý, tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hệ thống hạ tầng thủy lợi đều được đầu tư đồng bộ, kiên cố, bảo đảm tưới tiêu cho hơn 95% diện tích cây trồng.
Hiệu quả công trình thủy lợi sẽ đóng góp cho sự phát triển KT-XH ở các địa phương (Ảnh: TL) |
Xã Định Tiến (huyện Yên Định) là một trong những địa phương nằm trong vùng chuyên canh sản xuất lúa giống của Thanh Hoá. Hằng năm, người dân trên địa bàn xã tham gia sản xuất khoảng 500 ha hạt giống lúa thuần, lúa F1.
Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp Định Tiến cho biết, trên địa xã có 35,7 km kênh mương nội đồng, 1 trạm bơm chính, 2 trạm bơm động cơ. Trước đây, việc thiếu nước tưới tiêu diễn ra thường xuyên, dẫn đến năng suất không ổn định, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng cũng gặp nhiều khó khăn.
Từ khi hệ thống giao thông, thủy lợi được đầu tư kiên cố hóa, 100% diện tích lúa và 96% diện tích rau màu được tưới tiêu chủ động, đảm bảo quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tăng lên. Tại vùng chuyên canh sản xuất lúa giống, năng suất bình quân đạt 28-30 tạ/ha, giá trị sản xuất trên 1 ha anh tác tại địa phương đạt 150 triệu đồng/ha/năm (cao hơn 7 triệu đồng so với bình quân toàn huyện).
Ứng phó với biến đổi khí hậuTuy n
Nhưng số lượng các địa phương có hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tốt như Thanh Hoá hiện không nhiều. Mặc dù nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư rất lớn cho công tác này nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các địa phương hiện nay.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước đã hình thành 904 hệ thống thủy lợi lớn và vừa có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên, hơn 5.000 hồ chứa các loại, với dung tích trữ nước hơn 35,34 tỷ m3, hơn 100 trạm bơm lớn, gần 5.000 cống tưới tiêu lớn; hơn 5.700 km đê sông, 3.000 km đê biển, 23.000 km bờ bao ngăn lũ và hằng trăm cây số kè, hơn 126.000 km kênh mương. Tổng năng lực thiết kế của các hệ thống bảo đảm cho khoảng 3,45 triệu ha đất canh tác.
Phát triển hạ tầng thủy lợi theo hướng hiện đại đang là mục tiêu lớn mà ngành nông nghiệp đặt ra (Ảnh: TL) |
Trên thực tế, hạ tầng thủy lợi hiện còn nhiều bất cập, có nhiều hệ thống thủy lợi không phát huy hết năng lực so với khả năng của công trình đầu mối. Theo số liệu của các địa phương cho thấy, bình quân chung, hiệu quả hệ thống thủy lợi trên toàn quốc còn thấp.
Đơn cử, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với địa hình chủ yếu là vùng đồng bằng cửa sông chịu ảnh ảnh của nước mặn, lũ và triều cường, để khai thác tiềm năng đất đai, công tác thủy lợi được xây dựng và đầu tư đồng bộ và khá hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, với quy mô nhỏ, nhiều công trình đã xuống cấp, hiện nay khu vực ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động ứng phó với những thay đổi quy luật dòng chảy trên sông Mê Kông, biến đổi khí hậu và cả nước biển dâng, vấn đề đặt ra cho công tác thủy lợi trong thời gian tới không chỉ là duy tu sửa chữa các công trình xuống cấp hư hỏng mà còn phải đầu tư xây dựng những vị trí xung yếu thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của cả khu vực.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình, Tổng cục Thủy lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi ngày càng được củng cố, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế, xã hội, môi trường và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hệ thống thủy lợi đảm bảo sẽ tạo nên hiệu ứng dây chuyền tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp lớn không ngần ngại liên kết với nông dân, HTX áp dụng quy trình tưới tiết kiệm cho những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hy vọng với những nỗ lực không ngừng và những giải pháp thiết thực, trong thời gian tới, hạ tầng thủy lợi sớm phát triển đồng bộ, đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Minh Thành