Ngoài việc tham gia tích cực vào bảo vệ và làm sạch môi trường, các HTX dịch vụ môi trường còn góp phần tạo việc làm cũng như thu nhập và bảo đảm đời sống cho hàng chục nghìn lao động mà chủ yếu là cho người nghèo
Đẩy mạnh xã hội hoá BVMT
Xã hội hóa công công tác bảo vệ môi trường là một phần rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ môi trường ở nước ta (Ảnh: TL) |
HTX môi trường thị trấn Hương Canh (Vĩnh Phúc) được thành lập năm 2014 hoạt động chủ yếu là thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong các khu dân cư, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Xuyên. Mỗi ngày HTX xử lý bình quân khoảng 30 tấn rác thải của 18 nghìn nhân khẩu và rác thải sinh hoạt của khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Xuyên.
Từ khi thành lập đến nay, HTX môi trường thị trấn Hương Canh cùng với 64 HTX dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với sự tự chủ, nỗ lực cố gắng vươn lên, các HTX môi trường đã và đang có vai trò quan trọng trong việc xử lý rác thải trong điều kiện tỉnh, huyện chưa xây dựng được lò đốt rác tập trung, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, khu đô thị và môi trường nông thôn.
Ông Hà Trọng Tấn – Chủ tịch HĐQT HTX khẳng định: Ngay từ khi thành lập, HĐQT HTX đã xác định rõ nhiệm vụ để mở rộng địa bàn vệ sinh môi trường và kinh doanh dịch vụ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Đặc biệt, với hình thức hoạt động mà HTX đang triển khai, Nhà nước không phải đầu tư vốn, phương tiện, trang thiết bị.
HTX môi trường Hương Canh chỉ là một trong hàng trăm HTX dịch vụ môi trường đang hoạt động hiệu quả ở nhiều tỉnh, thành hiện nay. Mô hình này đã và đang cho thấy hiệu quả thiết thực mà nó mang lại. Theo khảo sát, cả nước có 23.900 HTX trong đó có 852 HTX dịch vụ BVMT bao gồm 650 HTX chuyên về môi trường (cung cấp nước sạch, thu gom và xử lý rác thải) và 202 HTX tham gia hoạt động BVMT. Nhiều mô hình HTX hoạt động rất hiệu quả, tên tuổi đã được khẳng định như HTX Môi trường Thành Công (Hà Nội), HTX Môi trường thị trấn Hương Canh (Vĩnh Phúc), HTX Vận tải và dịch vụ môi trường (Tuyên Quang), HTX vệ sinh môi trường An Châu (Bắc Giang), HTX Nước sạch Bình Tây (Tiền Giang), HTX Chí Linh (Hải Dương)... Những HTX này đã góp phần quan trọng vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhiều mô hình hiệu quả
Theo đánh giá của Tổng cục môi trường, thời gian qua qua, nhiều mô hình bảo vệ môi trường ở các tỉnh, thành phố đã ra đời, trong đó nổi bật có các mô hình chế biến rác thải hữu cơ làm phân vi sinh (ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Điện Biên, Quảng Nam, Hà Nam, Hà Nội). mô hình HTX nuôi heo sạch, sử dụng khí biogas sản xuất điện (TP Hồ Chí Minh), mô hình HTX xử lý nước thải chế biến thực phẩm thu hồi khí sinh học sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường (Tây Ninh), mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (Hà Nam), mô hình HTX quản lý nghĩa trang nhân dân gắn với BVMT cũng đang phát triển tốt...
Các cấp chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ môi trường (Ảnh: TL) |
Bà Phan Thị Định, Chủ tịch Liên minh HTX Vĩnh Phúc nói rằng, để gắn công tác BVMT với đời sống và sản xuất trong khu vực kinh tế tập thể cần đẩy mạnh mối liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học và HTX, để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực này.
Theo bà Định, việc xây dựng chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư công nghệ mới, thân thiện với môi trường cho khu vực HTX sẽ góp phần thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế này. Đặc biệt, việc thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, các HTX cần đổi mới trang thiết bị, máy móc công nghệ ít gây ô nhiễm môi trường phục vụ sản xuất kinh doanh, thay thế dần công cụ thủ công, lạc hậu, đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ ngân sách hoạt động BVMT, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển các mô hình HTX môi trường.
"Tôi cho rằng, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT một cách thiết thực. Đôn đốc thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường trong các mô hình kinh tế tập thể đạt hiệu quả." Bà Định nói.
Minh Thành